(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Syria đang lan rộng, chưa có điểm dừng. Trong một diễn biến mới, ngày 26-11, Liên đoàn Arab (AL) đã đưa ra danh sách các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Syria sau khi Damascus không chấp thuận tối hậu thư của AL về việc cho phép các quan sát viên tới Syria.
Theo đó, AL sẽ phong tỏa các quỹ, chấm dứt các hoạt động giao dịch thương mại với Chính phủ Syria (trừ các mặt hàng thiết yếu với người dân), cấm các quan chức Damascus nhập cảnh các nước Arab, đình chỉ các chuyến bay và ngừng mọi giao dịch tài chính với chính quyền Syria cũng như ngân hàng trung ương nước này.
Tàu sân bay USS George H.W.Bush, tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ, đã được triển khai ngoài khơi Syria, trong một áp lực đối với chính quyền Damascus. |
Sự việc này đã đẩy cuộc khủng hoảng lên cao trào, không những căng thẳng trong nước mà đối với cả quan hệ quốc tế. Từ chối tối hậu thư của AL, Damascus có lập luận riêng rằng, kế hoạch trao cho các quan sát viên AL quá nhiều đặc quyền, có thể dẫn tới vi phạm chủ quyền quốc gia. Mặc dù, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad muốn chỉ có 40 quan sát viên (thấp hơn nhiều so với số 500 quan sát viên AL yêu cầu) cử tới theo dõi diễn biến của tình hình, nhưng đề nghị này đã bị phía AL bác bỏ. Đây cũng là mâu thuẫn mạnh nhất trong quan hệ giữa Damascus với các nước Arab và cũng là lần đầu tiên AL nhất trí kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng này. Rõ ràng, tình hình Syria đang ngày càng có nhiều diễn biến bất lợi. Lo lắng một cuộc nội chiến càng có cơ sở khi sự can thiệp của quốc tế đang diễn ra sâu rộng. Minh chứng cụ thể nhất là sự việc xảy ra ngày 25-11 vừa qua. Theo đó, trong vụ tấn công "khủng bố" nhằm vào một căn cứ không quân nằm tại khu vực giữa Homs và Palmyra, 10 quân nhân Syria, trong đó có 6 phi công, đã thiệt mạng. Người phát ngôn quân đội Syria đã chỉ rõ rằng, vụ tấn công này có sự can thiệp của nước ngoài. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình ở thành phố Homs và Itlip đã hô vang các khẩu hiệu yêu cầu Tổng thống al-Assad từ chức và yêu cầu nước ngoài can thiệp để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại Syria.
Vấn đề ở Syria giờ đã vượt ra ngoài khuôn khổ biên giới nước này. Trong một động thái răn đe, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã liên tiếp tạo thêm nhiều áp lực đối với chính quyền Damascus. Ngày 24-11, tàu sân bay USS George H.W.Bush, tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Mỹ, đã được triển khai đến ngoài khơi Syria. Trước đó, Mỹ ra thông báo yêu cầu công dân mình rời khởi quốc gia Arab này ngay lập tức. Mặc dù, Washington không giải thích gì về động thái này nhưng báo chí phương Tây đã cho rằng nguy cơ sự can thiệp bên ngoài đang ngày càng rõ nét. Đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang làm dấy lên những suy đoán về một cuộc tấn công quân sự nhằm vào láng giềng Syria. Trong khi đó, ngày 24-11, Pháp đề xuất lập các "hành lang nhân đạo" ở Syria giúp vận chuyển thuốc men, vật dụng đến người dân trong trường hợp cần thiết. Pháp là nước đầu tiên tìm kiếm sự can thiệp quốc tế vào Syria...
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, tình hình tại Syria không thể so sánh với Libya, thậm chí phương Tây cũng không thể áp dụng phương thức như đã hạ bệ ông Muammar Gaddafi. Bất kỳ sự can thiệp nào vào Syria cũng là hồi chuông cảnh báo "một phản ứng từ Iran", đồng minh quan trọng của Tổng thống Al-Assad tại khu vực này. Thêm vào đó, Nga, Trung Quốc đã liên tục phản đối sức ép và các lệnh trừng phạt chống lại Syria. Trong một diễn biến liên quan, ngày 25-11, ba tàu chiến Nga đã cập bến Syria, mang theo các cố vấn kỹ thuật của Nga để lắp đặt giàn tên lửa S-300 và các hệ thống radar tiên tiến tại tất cả các cơ sở quân sự và công nghiệp của Syria. Theo báo chí nước này, 3 tàu chiến của Nga sẽ không đậu ở cảng của Syria mà hoạt động dọc theo bờ biển nước này để chống lại bất kỳ cuộc can thiệp nào của nước ngoài vào bất ổn ở Syria. Đây là một thông điệp rõ ràng nhất của Mátxcơva khẳng định lợi ích của mình tại khu vực này. Trước đó, ngày 21-11, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ rõ, việc phương Tây kêu gọi phe đối lập Syria không chấp nhận đối thoại với chính quyền của Tổng thống Al-Assad là hành động khiêu khích chính trị có quy mô quốc tế.
Hiện tại, còn quá sớm để nói phương Tây sẽ can thiệp vào Syria tương tự như cách họ đã làm ở Libya. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khi cả chính quyền lẫn các nhóm vũ trang đối lập ở Syria đều không thể chấm dứt bạo lực, dư luận cho rằng, miệng hố của cuộc nội chiến tại quốc gia Arab này đang cận kề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.