(HNM) - Châu Âu đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng người tị nạn, được dự báo là có thể tồi tệ hơn cả
Những gì đang diễn ra có nguy cơ làm tổn hại giá trị chung mà Liên minh Châu Âu (EU) đã dày công xây dựng hơn nửa thế kỷ qua. Trong đó, nổi bật là quyền tự do đi lại và mưu cầu hạnh phúc.
Mặc dù đã nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận cho cuộc khủng hoảng người di cư, song Hội nghị khẩn cấp Bộ trưởng Nội vụ EU tại Brussels (thủ đô Bỉ) ngày 14-9 (giờ địa phương), đã không đạt kết quả đáng kể nào. Các thành viên "ngôi nhà chung" EU đã không thể đi tới một thỏa thuận thống nhất về phân bổ "hạn ngạch" 120.000 người di cư do Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra. Slovakia và Czech kiên quyết phản đối khi đòi các bên làm rõ nền tảng tự nguyện tiếp nhận là gì? Đặc biệt, cuộc "đối đầu" gay gắt vừa diễn ra giữa Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và đồng cấp người Slovakia Robert Kalinak tại hội nghị đã đẩy các bên vào thế bế tắc. Kết quả, Tuyên bố chung sau hội nghị đã không thể xác định các quốc gia nào sẽ tiếp nhận người tị nạn từ những điểm nóng trung chuyển Italia, Hy Lạp và Hungary.
Đây được xem là bước lùi của EU trong ứng phó với cuộc khủng hoảng đang "bẻ gãy" hai giá trị cốt lõi của Liên minh là tự do đi lại và mưu cầu hạnh phúc. Trước đó, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk cảnh báo sẽ triệu tập một cuộc họp thượng đỉnh EU nếu các Bộ trưởng Nội vụ không cho thấy "một dấu hiệu rõ ràng về tinh thần đoàn kết".
Người di cư tới Châu Âu đang đứng trước nhiều nguy cơ khó lường. |
Quyết định một ngày trước hội nghị tại Brussels của Berlin: "đóng cửa" biên giới với Áo nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng cũng đã làm cho phiên thảo luận của các bộ trưởng thêm phức tạp. Rõ ràng, dòng người di cư từ các nước đổ vào Đức đã vượt quá khả năng chịu đựng của Berlin. Theo thống kê mới nhất, riêng tại bang Munich, tính từ cuối tháng 8 đến nay đã có tới 60.000 người nhập cư đổ về, vượt qua khả năng kiểm soát tình hình của các lực lượng chức năng.
Ngay sau bước đi của Đức, nhiều thành viên EU khác như Áo, Hà Lan, Slovakia cũng tự "phá vỡ" Hiệp ước Schengen - tự do đi lại - khi áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới như Đức. Điều này buộc nhiều tuyến đường sắt xuyên quốc gia tại Châu Âu phải đóng cửa trong những giờ qua. Hậu quả đến ngay lập tức: dòng người di cư tiếp tục bị dồn ứ, khi các chuyến tàu từ Áo tới Đức ngừng chạy. Các biện pháp kiểm tra ngẫu nhiên cũng được cảnh sát Đức thực hiên tại các khu vực biên giới Đức - Ba Lan - Czech. Động thái này cũng khiến nhiều nước trong EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, thất vọng khi cho rằng lời hứa "Berlin" - nhận phần lớn dòng người di cư - đã theo gió bay đi.
Có thể nói, các quốc gia Châu Âu dù trong tình huống khẩn cấp, ở một góc độ nào đó đang đi ngược lại tinh thần chung của Hiệp ước Schengen là một trong 4 trụ cột chính tạo thành EU. Đây là Hiệp ước về tự do đi lại trong khối được 26 thành viên, trong đó có 22 nước EU ký kết ngày 27-11-1990. Và, cuộc khủng hoảng đang diễn ra đặt nguyên tắc đồng thuận của EU trước một thử thách lớn lao. Hay nói một cách khác, các giá trị từng gắn kết và làm nên một Châu Âu thịnh vượng đang đối mặt với nguy cơ bị phá hủy.
Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) lo ngại, người di cư vượt biển đến Châu Âu sẽ rơi vào "tình trạng treo" nếu các nước EU áp dụng những chính sách khác nhau để đối phó với cuộc khủng hoảng không được dự báo này. Nếu vậy, một thảm họa nhân đạo khó lường hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, tình trạng người tị nạn "chiếm" các khu vực công cộng, làm nảy sinh những vấn nạn xã hội mới bắt đầu xuất hiện đã gây lo ngại về an ninh. Nguy cơ bị tranh giành việc làm cũng đang khiến không ít lực lượng theo chủ nghĩa bài ngoại, bài nhập cư trỗi dậy. Châu Âu xem ra đang bị đẩy đến giới hạn xung đột giữa các nền văn hóa và tín ngưỡng trong cuộc khủng hoảng ghê gớm nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.