Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng bố thách thức “vương quốc hòa bình”

Thùy Dương| 27/10/2014 06:34

(HNM) - Chỉ trong vòng 7 ngày, hai vụ tấn công khủng bố liên tiếp đã làm chấn động Canada, quốc gia được mệnh danh là

An ninh được siết chặt trước tòa nhà Quốc hội Canada sau vụ nổ súng.



An ninh tại Canada những ngày qua đã được tăng cường sau khi một tay súng bịt mặt mang theo súng trường bắn chết hạ sĩ Nathan Cirillo, 24 tuổi, trong lúc anh này đang canh gác tại Đài tưởng niệm chiến tranh. Nghi phạm sau đó xông vào bên trong tòa nhà Quốc hội, nơi Thủ tướng Stephen Harper đang phát biểu trước các nghị sĩ. Tuy nhiên, ông S.Harper cùng các nhà lãnh đạo khác đã kịp thời sơ tán an toàn. Lực lượng an ninh Canada đã bắn chết nghi phạm sau cuộc đấu súng dữ dội bên trong tòa nhà Quốc hội. Vụ nổ súng chấn động dư luận xảy ra chỉ 2 ngày sau khi một phần tử cải sang đạo Hồi đụng độ với 2 binh sĩ Canada gần Montreal, khiến một người thiệt mạng. Ngay sau vụ tấn công, Ottawa đã nâng báo động khủng bố từ mức thấp lên mức trung bình do lo ngại nguy cơ ngày càng gia tăng từ các tổ chức cực đoan. Phản ứng trước vụ việc, Thủ tướng S.Harper khẳng định đây là một hành động khủng bố, đồng thời nhắc nhở rằng Canada không "miễn dịch" với chủ nghĩa khủng bố đang trỗi dậy mạnh mẽ. Các cơ quan an ninh sẽ làm tất cả những gì cần thiết để chống lại các mối đe dọa nhằm vào nước này.

Trên thực tế, đã nhiều năm nay Canada ít xảy ra tình trạng bạo lực và là một trong những quốc gia phương Tây an toàn nhất. Giống như Australia, Canada có tỷ lệ tội phạm khá thấp và những vụ giết người hàng loạt hay xả súng nơi công cộng được xem là chuyện "hiếm" ở nước này. Thế nên, sự kiện vừa qua đã dấy lên nhiều nghi vấn tại sao Canada đã trở thành mục tiêu của những kẻ cực đoan, phá vỡ hình ảnh một quốc gia lâu nay được cho là an ninh và an toàn bậc nhất.

Theo các nhà phân tích, đây là hậu quả mang tính logic của việc nước này tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố 12 năm qua, cũng như sự can thiệp vào chiến tranh Afghanistan năm 2001. Điều đáng nói là cả hai vụ việc nói trên xảy ra chỉ vài tuần sau khi quân đội Canada ở Trung Đông tham gia vào chiến dịch chống các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria. Nhiều người đã liên tưởng mối quan hệ giữa quyết định này với hai vụ tấn công vừa xảy ra và cho rằng chính sách của Ottawa có thể đã "chọc giận" một bộ phận người Hồi giáo ở Canada. Trong khi đó, nhiều năm nay Cơ quan an ninh Canada đã lo ngại về tình trạng một số thanh, thiếu niên bị truyền bá tư tưởng cực đoan giữa lúc sự trỗi dậy ngày càng không thể kiểm soát của IS đang làm gia tăng mối đe dọa từ các vụ tấn công theo kiểu "sói đơn độc". Đây là hành động khủng bố riêng lẻ của những kẻ khủng bố hoặc phần tử cực đoan không cần đợi lệnh của bất kỳ thủ lĩnh, tổ chức nào.

Theo Cơ quan tình báo Canada (CSIS), ít nhất 50 hoặc 60 người Canada đã tham gia các hoạt động liên quan đến khủng bố với IS hoặc các nhóm phiến quân ở Trung Đông. Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khủng bố toàn cầu của Đại học Monash (Australia) Greg Barton cảnh báo: "Không chỉ tại Canada, các cuộc tấn công kiểu này có thể sắp diễn ra ở mọi nơi trên khắp thế giới". Trong bối cảnh này, giới chức chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc khả năng siết chặt an ninh dọc tuyến biên giới với Canada để đề phòng các nguy cơ khủng bố.

Dẫu vậy, Thủ tướng S.Harper vẫn khẳng định, những vụ bạo lực trên không làm giảm những cam kết của Canada trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Một thông điệp đã được gửi đi rằng xứ sở Lá phong sẽ không dễ bị hăm dọa chỉ vì một nỗi sợ đơn giản và sẽ tiếp tục hợp tác với đồng minh trên thế giới chống khủng bố. Tuy nhiên, điều này có thể khiến các phần tử Hồi giáo cực đoan có thêm lý do để tiếp tục tiến hành các vụ tấn công bạo lực. Đây cũng là những thách thức rất lớn về an ninh cho quốc gia Bắc Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng bố thách thức “vương quốc hòa bình”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.