Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khúc ngoặt nguy hiểm

Trung Hiếu| 03/05/2013 06:52

(HNM) - Đó là có hay không việc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lực lượng nổi dậy đã và đang thu hút sự quan tâm của thế giới trong những ngày qua.


Bởi, rất có thể đây sẽ là nguyên cớ dẫn tới sự can thiệp quân sự của Mỹ và đồng minh vào quốc gia Trung Đông đang chìm trong nội chiến. Cho đến nay, mọi trông đợi đều hướng đến Liên hợp quốc (LHQ) để tìm giải pháp cho vấn đề. Thế nhưng, mọi hy vọng hiện vẫn "dậm chân tại chỗ". Trong một động thái mới, ngày 30-4, người phát ngôn LHQ Martin Nesirky cho biết, cơ quan này vẫn chưa đạt được thỏa thuận về hoạt động của phái bộ điều tra vũ khí hóa học ở Syria. Trong khi đó, ngày 1-5, theo một nguồn tin ngoại giao, phái viên hòa bình của LHQ - Liên đoàn Arab (AL) về Syria Lakhdar Brahimi có thể từ chức do thất vọng trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đang bị quốc tế hóa ở quốc gia này.

Cuộc khủng hoảng tại Syria tiếp tục lan rộng, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.



Vụ việc nảy sinh vào tháng 4-2013 khi Chính phủ Syria cáo buộc lực lượng chống đối bắn một quả tên lửa mang theo vũ khí hóa học vào thị trấn Khan al-Assal làm hơn 26 người thiệt mạng. Quân nổi dậy sau đó đã bác bỏ; đồng thời tố cáo Damascus sử dụng vũ khí hóa học tại thành phố Homs hồi cuối tháng 12-2012. Phát biểu tại một cuộc họp báo (30-4), đại diện thường trực của Syria tại LHQ, Bashar Ja'afari bày bỏ mong muốn của Damascus là LHQ đáp ứng đề nghị của Syria về một cuộc điều tra độc lập, chân thực về sự việc ở Khan al-Assal, ngoại ô thành phố Aleppo. Syria khẳng định sẽ hỗ trợ và hợp tác mạnh mẽ với phái bộ điều tra của LHQ trong vụ việc nêu trên. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon lại không chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu một cuộc điều tra vũ khí hóa học mang tính toàn diện ở Syria liên quan tới vụ việc ở thành phố Homs. Chính yêu cầu này đã khiến bài toán về vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này đến nay chưa được giải quyết.

Trong khi đó, lo ngại của dư luận về một khúc ngoặt của cuộc khủng hoảng ngày càng tăng khi mới đây - sau khi tin về sự xuất hiện của vũ khí hóa học tại Syria loang ra - nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã đòi Nhà Trắng cần can thiệp với lý do Damascus đã sử dụng vũ khí hóa học. Thậm chí, các nghị sĩ hàng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi Mỹ hỗ trợ thiết lập một vùng cấm bay tại Syria; đồng thời tăng thêm viện trợ nhân đạo cho nước này. Cách đây hơn 10 năm, với cớ Iraq tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt, Washington và đồng minh đã phát động chiến tranh lật đổ chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein. Nhưng, đến nay Mỹ và đồng minh vẫn chưa tìm được cái gọi là "vũ khí hủy diệt hàng loạt" tại đất nước Nghìn lẻ một đêm.

Do vậy, với Syria hiện nay, một kịch bản tương tự như cuộc chiến Iraq là có thể và đây chính là điều cộng đồng quốc tế lo ngại. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov đã lên tiếng cảnh báo về việc nước ngoài sử dụng cái cớ "vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria" để can thiệp quân sự. Phát biểu trong chuyến thăm thủ đô Beirut (Lebanon) ông M.Bogdanov - hiện là đặc phái viên của Tổng thống Nga về vấn đề Trung Đông - nêu rõ, nếu có bằng chứng nghiêm túc về vũ khí hóa học ở Syria, việc này cần được thông báo ngay lập tức và không giấu giếm. Đến nay, Nga vẫn kiên quyết phản đối can thiệp quân sự vào Syria. Trong một động thái mới, ngày 30-4 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo, không thể vội vàng trước vấn đề Syria và Nhà trắng cần "bằng chứng thuyết phục và hiệu lực" trước khi hành động. Trong khi đó, ngày 1-5, tờ "Bưu điện Washington" tiết lộ, Lầu năm góc đang cân nhắc cấp vũ khí sát thương cho lực lượng nổi dậy ở Syria và quyết định sẽ được đưa ra trong vài tuần tới. Rõ ràng, thông tin này thành hiện thực sẽ khiến cuộc khủng hoảng Syria thêm nghiêm trọng.

Hiện tại, dư luận đang lo ngại Syria mất kiểm soát về an ninh sẽ đe dọa sự ổn định toàn bộ khu vực. Giới quan sát đang trông đợi khi Iran và nhóm quan chức cấp cao Ai Cập vừa nhất trí về tính cấp thiết trong thực thi kế hoạch giải quyết khủng hoảng Syria - thông qua một giải pháp chính trị có thể chấp nhận được - của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi. Theo đó, bạo lực phải được các bên chấm dứt, tiến tới hòa giải dân tộc với sự tham gia của người dân Syria. Thế nhưng, đây là hy vọng hết sức mong manh trong bối cảnh hiện nay tại Syria.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khúc ngoặt nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.