(HNM) - Trong lúc Mỹ và Hàn Quốc đang mở cuộc tập trận
"Thực lực, thích ứng và hợp tác" là tên cuộc tập trận RIMPAC năm nay với cuộc thao luyện đầu tiên không do sĩ quan Mỹ chỉ huy. Theo đó, hải quân các nước sẽ cùng diễn tập theo nhiều tình huống giả định từ cứu hộ thiên tai, hoạt động an ninh biển, kiểm soát biển đến chiến đấu tổng hợp. Cùng với đó, các chiến dịch đổ bộ đường biển, diễn tập pháo, tên lửa, chống tàu ngầm, phòng không cũng như chống cướp biển, rà phá ngư lôi, xử lý chất nổ và các hoạt động bơi lặn, cứu hộ… cũng sẽ được thao luyện trong cuộc tập trận, nhằm ứng phó trong một không gian rộng lớn thuộc vành đai Thái Bình Dương.
Tâm điểm của các lực lượng hải quân Mỹ trong cuộc tập trận RIMPAC lần thứ 23 sẽ là tàu sân bay USS Nimitz. |
Là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới diễn ra hai năm một lần kể từ năm 1971 đến nay, RIMPAC lần thứ 23 có sự góp mặt của 22 quốc gia gồm: Nhật Bản và Hàn Quốc cùng 5 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan. Danh sách các nước tham gia còn lại gồm Anh, Ấn Độ, Canada, Chile, Colombia, Hà Lan, Mexico, Na Uy, New Zealand, Nga, Peru, Pháp, Australia, Tonga và nước chủ nhà Mỹ. Với "nhà tổ chức", đây được xem là cơ hội quan trọng giúp các nước tham gia gắn bó và duy trì mối quan hệ hợp tác nhằm bảo đảm an toàn đường biển.
Nếu như RIMPAC gần đây nhất diễn ra vào năm 2010 chỉ có sự góp mặt của 32 tàu nổi, 5 tàu ngầm, hơn 170 máy bay và khoảng 20.000 người tham gia, cuộc tập trận lần này có sự tham gia của 42 tàu chiến gồm 6 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân nhân, quan sát viên đến từ 22 nước. Trong đó, một số tàu chiến, máy bay sẽ vận hành bằng nhiên liệu sinh học. Tâm điểm của các lực lượng hải quân nước chủ nhà Mỹ sẽ là tàu sân bay USS Nimitz. Các tàu mặt nước sẽ "chiến đấu" với 3 tàu ngầm đến từ Trân Châu Cảng và các tàu ngầm của Australia, Canada và Hàn Quốc. Nga dự kiến cũng sẽ gửi một tàu khu trục, một tàu chở dầu và một tàu cứu hộ tham gia RIMPAC.
Gần đây Châu Á - Thái Bình Dương luôn được chọn là "điểm đến" của nhiều cuộc tập trận chung giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó phần lớn do Mỹ đứng đầu. Cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới một lần nữa cho thấy sự khẳng định gia tăng ảnh hưởng không ngừng của Washington với khu vực địa - chiến lược quan trọng này. Đây được xem là bước đi tiếp theo của Mỹ sau cuộc tập trận mang tên "Vai kề vai" với Philippines cũng như cử đội thủy quân lục chiến đầu tiên gồm 200 binh sĩ đến Australia.
Nhiều chuyên gia phân tích lo ngại rằng, sự hiện diện của Mỹ tại những cuộc tập trận ở các khu vực xung quanh Trung Quốc có thể khiến tình hình khu vực căng thẳng hơn. Thời gian qua, Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích sự tăng cường hiện diện của Mỹ ở Châu Á khi nói rằng đây là bằng chứng cho "tinh thần chiến tranh lạnh" của Washington. Báo chí Trung Quốc cáo buộc Tổng thống Barack Obama dùng động thái này để đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề kinh tế đang vướng mắc của Mỹ trước thềm cuộc tổng tuyển cử xứ Cờ hoa vào cuối năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.