Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu vực châu Phi cận Sahara: Tăng dư địa tài chính, ngăn chặn suy giảm kinh tế

Thùy Dương| 08/04/2023 08:30

(HNM) - Tăng trưởng tại khu vực châu Phi cận Sahara vẫn chậm chạp bởi sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát cao, đầu tư giảm mạnh cùng với hoạt động kém hiệu quả của các nền kinh tế lớn nhất châu lục. Đây là nhận định mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) về triển vọng kinh tế ở khu vực này trong năm 2023. Điều đó đòi hỏi chính phủ của 22 quốc gia ở châu Phi cận Sahara cần có các biện pháp tăng dư địa tài chính, hỗ trợ tăng trưởng để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Nguồn nước phục vụ chăn nuôi gia súc ở Kenya đang ngày một khan hiếm. Ảnh: AP

Trong báo cáo mang tên “Nhịp đập của châu Phi” công bố ngày 5-4, WB đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Phi cận Sahara sẽ giảm xuống 3,1% vào năm 2023 từ mức 3,6% của năm 2022. Theo WB, nợ vẫn tăng cao ở 22 quốc gia trong khu vực và lạm phát sẽ tiếp tục ở mức tương đối cao, trung bình 7,5% vào năm 2023, cao hơn mục tiêu đề ra của hầu hết các quốc gia. Liên quan đến đầu tư, có sự suy giảm rõ ràng đã được quan sát thấy trong hơn một thập kỷ qua. Thống kê của WB chỉ ra rằng, tăng trưởng đầu tư ở châu Phi cận Sahara đã giảm từ 6,8% trong giai đoạn 2010-2013 xuống còn 1,6% vào năm 2021, với sự suy giảm rõ rệt ở Đông và Nam Phi so với Tây và Trung Phi.

Tổ chức tài chính này cũng cho rằng, rủi ro về nợ vẫn ở mức cao với 22 quốc gia trong khu vực, đồng thời lưu ý các điều kiện tài chính toàn cầu không thuận lợi đã làm tăng chi phí vay và chi phí trả nợ. Trên thực tế, khu vực châu Phi cận Sahara đang phải đối mặt với một trong những môi trường kinh tế thách thức nhất trong nhiều năm, được đánh dấu bằng sự phục hồi chậm sau đại dịch Covid-19, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như mức nợ công cao. Trong một thời gian dài, lạm phát là một trong những thách thức cấp bách nhất của châu Phi. Cùng với đó, gánh nặng nợ nần sau đại dịch Covid-19, giá cả tăng cao và cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi viện trợ từ châu Âu giảm dần.

Các dự báo đến năm 2050 cho thấy, phần lớn vùng cận Sahara châu Phi đang phải đối mặt với các vấn đề về phát triển bền vững như: Mức độ ô nhiễm không khí cao, điều kiện vệ sinh kém, các mối đe dọa sinh thái tăng nhanh kết hợp với tốc độ gia tăng dân số. Bên cạnh đó, châu Phi cận Sahara là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Khi thiên tai ngày càng trở nên thường xuyên hơn, các cộng đồng sẽ phải vật lộn để phục hồi trước khi thảm họa tiếp theo xảy ra. Giám đốc Chương trình Lương thực thế giới (WFP) tại Đông Phi Michael Dunford cho biết, hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua đã khiến mùa màng thất bát. Ở miền Bắc Kenya, những người chăn nuôi ngày càng phải đào sâu hơn vào lòng đất để tìm kiếm nguồn nước cho gia súc. Trong khi đó, một phần của Tây Phi đã bị lũ lụt tấn công sau trận mưa lớn nhất trong 30 năm.

Trước những dự báo về tăng trưởng giảm sút và mức nợ gia tăng, WB đưa ra khuyến nghị, các chính phủ châu Phi phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn thu nội địa, giảm nợ và đầu tư hiệu quả để giảm nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung trong trung và dài hạn. WB nhận định, việc khai thác tài nguyên thiên nhiên giàu có mang lại cơ hội cải thiện về tài chính và nợ của các quốc gia châu Phi, nhưng cảnh báo rằng, điều này chỉ có thể xảy ra nếu các quốc gia có chính sách đúng đắn và rút ra bài học từ các chu kỳ bùng nổ và phá sản trong quá khứ. Trong thời kỳ chuyển đổi năng lượng và nhu cầu ngày càng tăng đối với khoáng sản, các chính phủ giàu tài nguyên cần tận dụng cơ hội này để tài trợ cho các chương trình công, đa dạng hóa nền kinh tế và mở rộng khả năng tiếp cận năng lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu vực châu Phi cận Sahara: Tăng dư địa tài chính, ngăn chặn suy giảm kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.