(HNM) - Trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thành lập Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (gọi tắt là thành phố phía Đông) và nhận được sự đồng thuận cao của Chính phủ và người dân. Thành phố phía Đông được kỳ vọng sẽ tạo "bệ phóng" cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề về phát triển đô thị của thành phố.
Khu đô thị sống động và sáng tạo
Nói về tiền đề ra đời thành phố phía Đông, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, từ lâu thành phố đã có ý tưởng xây dựng một đô thị sống động và sáng tạo để giải quyết ngập lụt, ách tắc giao thông của thành phố, thông qua xây dựng các nguyên tắc chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sống khu dân cư hiện hữu (thuộc các quận 2, 9 và Thủ Đức) và chiến lược phát triển đô thị trên nền đô thị sẵn có và xây mới.
Để hiện thực hóa các ý tưởng, thành phố sẽ tập trung thực hiện chương trình toàn diện trên nhiều nhóm vấn đề để bảo đảm thành công về phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị.
Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (chuyên gia về quy hoạch đô thị) cho rằng, về chiến lược, ý tưởng trên của chính quyền thành phố là hoàn toàn đúng đắn. Ông Ngô Viết Nam Sơn phân tích: Quận 2, 9 và Thủ Đức giống như vùng Hauts-de-Seine (phía Tây thủ đô Paris của Pháp), tức là nơi tập trung các công trình, hạ tầng hiện đại; tập trung dân cư trí thức, trẻ, có thu nhập cao. Sau này, khu trung tâm quận 1, quận 3… chỉ bảo tồn, gìn giữ bản sắc từ hơn 300 năm qua, còn thành phố phía Đông sẽ trở thành trung tâm mới của thành phố Hồ Chí Minh. “Khi đó, đóng góp ngân sách trung ương của thành phố trong tương lai có thể tăng lên gấp đôi, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên gấp hai lần”, ông Ngô Viết Nam Sơn nhận định.
Theo quy hoạch, thành phố phía Đông có diện tích tự nhiên hơn 211,5km2, dân số hơn 1,1 triệu người, có 6 chức năng: Trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; Khu thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; Trung tâm công nghệ cao Sài Gòn (hạt nhân là khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh); Trung tâm công nghệ giáo dục (hạt nhân là Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Khu công nghệ sinh thái Tam Đa; Khu đô thị tương lai Trường Thọ. Khu đô thị phía Đông quy hoạch có dân số từ 2 đến 3 triệu người, là hạt nhân để thành phố Hồ Chí Minh triển khai cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Sẽ đóng góp 4-5% GDP cả nước
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng thành phố phía Đông là cách tiếp cận mới chú trọng về sự phát triển kinh tế kết hợp với quy hoạch đô thị, có chức năng trọng điểm về tài chính, khoa học, giáo dục…; là cấu trúc giúp mọi người sinh sống và làm việc tốt hơn, sáng tạo hơn; là động lực phát triển kinh tế của khu vực và cả vùng. Khu đô thị phía Đông đặt con người vào trung tâm, nâng cao vai trò tham gia của cộng đồng và cá nhân trong việc quyết định liên quan đến công dân trong tương lai. Ngoài ra, việc thành lập thành phố phía Đông cũng là một phần trong Đề án thí điểm chính quyền đô thị lần 2 mà thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút hoàn thành trong quý III-2020.
Hiện ba quận: 2, 9 và Thủ Đức đang có dân số hơn 1 triệu người (chiếm 10% dân số thành phố), có diện tích hơn 21.000ha (chiếm 10% diện tích thành phố). Thành phố dự báo, thành phố phía Đông sẽ đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố (tương đương 4-5% GDP cả nước). Như vậy, nếu thành phố phía Đông đi vào hoạt động, sẽ góp phần tạo GDP tương đương với nhiều tỉnh khác cộng lại. Đây là thời cơ, cơ hội rất lớn, tạo động lực tăng trưởng, “bệ phóng” phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong bối cảnh hiện nay, thành phố phải tạo động lực phát triển cho 5 năm, 10 năm tới. Thành phố xác định, trung tâm động lực kinh tế cho 10 năm tới chính là thành phố phía Đông, thông qua tích hợp 3 lợi thế của các quận 2, 9, Thủ Đức: Trung tâm lớn nhất về công nghệ cao (quận 9); trung tâm lớn nhất về đào tạo nhân lực trình độ đại học (quận Thủ Đức) và trung tâm đô thị mới, đồng thời là trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm (quận 2). Thành phố đã kiến nghị Trung ương chủ trương sáp nhập ba quận (2, 9, Thủ Đức) để lần đầu tiên lập nên thành phố trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Nếu được chấp nhận, ngay trong quý III-2020, thành phố sẽ hoàn thiện đề án trình Quốc hội và Chính phủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.