Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không vội vàng làm sân bay Long Thành

Theo Huy Thịnh| 13/12/2014 10:27

Đó là kiến nghị của nhiều chuyên gia tại buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành diễn ra tại TPHCM ngày 12/12.


Các chuyên gia cho rằng giữa hai luồng ý kiến nên hay không nên triển khai dự án, cần nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện và khoa học hiệu quả của từng phương án làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định.

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành.


Nhiều băn khoăn

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch và quản lý GTVT Trường Đại học GTVT Hà Nội, trong hoàn cảnh hiện nay thì cần phải tính cái gì quan trọng, có tác dụng thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ thì đầu tư trước, cụ thể là phải xếp hạng thứ tự quan trọng từ cao đến thấp để quyết định đầu tư có trọng điểm.

“Dự án sân bay Long Thành đứng thứ mấy trong thứ tự ưu tiên, có vị trí quan trọng như thế nào đối với GTVT và nền kinh tế. Cần rút kinh nghiệm khi đầu tư vào cảng biển nhóm 5 ở Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quy hoạch và dự án cũng dự báo là đóng vai trò trung chuyển như sân bay Long Thành nhưng hiện nay khai thác ra sao”, ông Thụ băn khoăn.

TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI, cho biết cả nước hiện có 56 sân bay, trong đó 21 sân bay dân sự, 20 sân bay bỏ hoang. Số sân bay quốc tế /triệu km2 của Việt Nam cao gấp 3 lần Thái Lan, 13 lần Trung Quốc và 9 lần so với Hoa Kỳ.

“Sân bay Long Thành chỉ cách Tân Sơn Nhất 33 km, hai sân bay quốc tế lớn bố trí gần như thế là không hợp lí. Chẳng lẽ sau khi xây xong sân bay Long Thành thì phá bỏ sân bay Tân Sơn Nhất”, ông Phúc nói.

Theo TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn, nếu chọn phương án làm sân bay Long Thành, nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 1 không phải là 8 tỷ USD mà có thể lên tới trên 40 tỷ USD.

Ông Sơn phân tích: Phát triển sân bay Long Thành hay giữ lại sân bay Tân Sơn Nhất cần có những so sánh khoa học. Long Thành dễ phát triển hơn Tân Sơn Nhất vì đất rộng hơn. Long Thành xây mới nên chắc chắn tốn kém hơn so với Tân Sơn Nhất đã có hạ tầng, chỉ cần nâng cấp lên. Nói mở rộng Tân Sơn Nhất, giải tỏa tốn kém, trong khi Long Thành đất nông nghiệp rất rẻ nhưng đừng quên rằng Tân Sơn Nhất đã có khu đô thị hiện hữu, trong khi sân bay Long Thành phải làm từ đầu. Sân bay Long Thành muốn thu hút khách phải kết nối tốt, có đường cao tốc, giao thông công cộng, đường sắt đô thị… Một tuyến metro kết nối từ TPHCM lên Long Thành tốn ít nhất 4 tỷ USD.

Cần đánh giá một cách nghiêm túc

“Sân bay Chek Lap Kok (Hong Kong) và sân bay Changi (Singapore) đều là đầu mối trung chuyển nhưng chỉ thiết kế 40 – 50 triệu khách/năm, vì sao lại thiết kế sân bay Long Thành lên tới 100 triệu khách/năm? Sân bay Tân Sơn Nhất quy mô lớn hơn vì sao công suất khai thác không bằng hai sân bay nói trên? Nếu các vấn đề trên được làm rõ thì mới nên làm sân bay Long Thành” - PGS.TS Nguyễn Văn Thụ nói.

TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất thành lập hai nhóm nghiên cứu theo hai hướng làm sân bay Long Thành và các phương án khác (mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, khai thác sân bay Biên Hòa, sân bay Cần Thơ…), sau đó phản biện lẫn nhau. Các đại biểu Quốc hội sẽ có đầy đủ các kịch bản, thể hiện rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguy cơ, cơ hội kèm theo để lựa chọn.

Theo ông Sơn, hiện chưa có tài liệu nào hoàn chỉnh, đầy đủ thông tin để Quốc hội căn cứ quyết định. Dự án sân bay Long Thành quy mô quốc gia, tác động đến đời sống, dân sinh của cả một vùng đô thị, cả nền kinh tế thì tối thiểu phải có sự tham gia của nhiều bộ ngành (Xây dựng, Tài nguyên Môi trường, Kế hoạch đầu tư…) thay vì chỉ giao cho Bộ GTVT, bởi sân bay không thể phát triển nếu không có một khu đô thị sân bay.

“Cần làm rõ hiệu quả kinh tế. Sân bay mình bỏ vốn ra làm, bao giờ hoàn vốn, bao giờ có lãi, đóng góp và làm GDP tăng trưởng bao nhiêu… Những vấn đề này cần làm rõ một cách khoa học. Khi chưa đủ thông tin thì hãy khoan làm sân bay Long Thành. Hiện nay, câu hỏi về hiệu quả kinh tế đang bị bỏ ngỏ. Có người nói cứ làm giai đoạn 1 đi rồi tính sau. Xây một sân bay mới cũng giống như leo lên lưng cọp, lên rồi thì không xuống được. Hơn nữa, chúng ta leo lúc nào chả được vì sân bay Tân Sơn Nhất quá tải mới là phỏng đoán. Chúng ta cứ nghiên cứu cho kỹ, nếu quyết định làm sân bay Long Thành thì phải làm tổng lực và phải có tiến độ mới có hiệu quả. Ngoài ra, cần có thời gian để lớn mạnh. Trên thế giới, tất cả các sân bay trung chuyển quốc tế phải gắn kết với một hãng hàng không tầm cỡ thế giới. Thế và lực của Vietnam Airlines hiện nay chưa đủ”, ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không vội vàng làm sân bay Long Thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.