Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh vào giai đoạn 1 của dự án, cũng như điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến năm 2026.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) hoàn thiện được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc của cảng. Trường hợp sân bay Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất hạ cánh, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ.
Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh ở phía Nam của cảng để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm.
Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất hạ cánh (số 3 và số 4) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Quá trình triển khai Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - Nhà khai thác cảng sau này) nhận thấy việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 bên cạnh và cách đường cất hạ cánh số 1 đang đầu tư 400m để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Cụ thể, việc đầu tư thêm này có thể đáp ứng tốt nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh trục trặc. Theo quy hoạch, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có thể phục vụ 50 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 830 lượt cất hạ cánh/ngày đêm.
Đáng nói, năm 2023, sản lượng khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là 41 triệu hành khách, tiệm cận công suất quy hoạch. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không khu vực Đông Nam Bộ khoảng 71 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 1.190 lượt cất hạ cánh/ngày đêm.
Như vậy, trường hợp Cảng hàng không quốc tế Long Thành phải tạm dừng khai thác do có sự cố trên đường cất hạ cánh thì Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng thêm khoảng 360 lượt cất hạ cánh/ngày đêm để hỗ trợ.
Do đó, việc xây dựng ngay đường cất hạ cánh số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành.
Cũng tại giai đoạn 2, trường hợp 1 trong 3 đường cất hạ cánh gặp sự cố thì với 2 đường cất hạ cánh còn lại, sân bay Long Thành vẫn có thể phục vụ được 50 triệu hành khách/năm.
Việc bổ sung thêm đường cất hạ cánh còn bảo đảm sự khai thác liên tục của cảng. Nếu sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 mới xây dựng đường cất hạ cánh số 3, sẽ làm gián đoạn khai thác của cảng tại một số thời điểm. Cùng đó, việc khai thác cảng còn bị ảnh hưởng của bụi trong quá trình thi công xây dựng.
Về hiệu quả đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện nay, để bảo đảm tĩnh không khai thác cho đường cất hạ cánh số 1, phần nền của đường cất hạ cánh số 3 đã được san nền đến cao độ thiết kế, nên chỉ cần bổ sung một số chi phí (như chi phí xây dựng kết cấu mặt đường, lắp đặt trang thiết bị...).
Sơ bộ tổng mức đầu tư đường cất hạ cánh số 3 khoảng 3.455 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ và vẫn nằm trong tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 do ACV thực hiện là 99.019 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc đầu tư ngay đường cất hạ cánh số 3 có chi phí không lớn, vẫn nằm trong tổng mức đầu tư và đem lại lợi ích cho việc quản lý, khai thác, góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư cho giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.