Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không vì thiếu bể mà chậm phổ cập bơi cho trẻ

Thùy An| 20/05/2017 07:30

(HNM) - Cùng với ngành Giáo dục - Đào tạo, ngành Văn hóa - Thể thao Hà Nội cũng như các quận, huyện, thị xã hiện đã vào cuộc mạnh mẽ để nhanh chóng hoàn thành mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ em.


Một buổi tập bơi miễn phí cho trẻ em tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hà Đông. Ảnh: Bá Hoạt


Chuyện khó có ở nhiều nơi

Thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao (VH-TT) Hà Nội cho thấy, trong 30 Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao (VH,TT &TT) quận, huyện, thị xã chỉ có 19 trung tâm sở hữu bể bơi.

Ở mùa hè năm ngoái, lãnh đạo Trung tâm VH,TT&TT huyện Gia Lâm đã chia sẻ: "Nếu được đầu tư bể bơi tại trung tâm, chắc chắn nhiều trẻ em trong huyện sẽ được "xóa mù" bơi, con số sẽ không dừng lại ở 500 em được học bơi mỗi dịp hè”. Được biết, trung tâm vẫn dành đất xây bể bơi nhưng vì chưa có nguồn kinh phí nên chưa thể xây dựng và buộc phải thuê bể bơi tư nhân để tổ chức các lớp học bơi cho học sinh. Trung tâm VH,TT&TT huyện Mỹ Đức cũng trong cảnh tương tự nên phải thuê bể của một siêu thị trên địa bàn để phổ cập bơi. Còn ở quận Tây Hồ, dù có nhiều bể bơi nhưng đa số là bể cao cấp phục vụ kinh doanh nên cũng gặp khó như các quận, huyện khác. Chỉ khi Ban quản lý bể bơi Sao Mai tham gia vào chương trình phổ cập bơi, giảm phí vào cửa thì trung tâm quận mới tổ chức dạy bơi cho từ 150 đến 200 em mỗi năm.

Dù đã có nhiều cố gắng trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí xây dựng bể bơi, nhưng đến thời điểm hiện tại, số bể bơi kiên cố thuộc các trung tâm VH,TT&TT quản lý vẫn "giậm chân tại chỗ". Trong khi đó, nhu cầu bơi và học bơi của người dân đã tăng cao. Hiện nay chỉ những trung tâm VH,TT&TT quận, huyện, thị xã sở hữu bể bơi kiên cố như Sơn Tây, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm... mới mạnh dạn thực hiện mục tiêu cụ thể "xóa mù" bơi cho trẻ em.

Không để cái khó bó cái khôn

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm không để việc thiếu bể bơi làm ảnh hưởng đến cơ hội phổ cập bơi của trẻ nên nhiều trung tâm VH,TT&TT dù chưa được đầu tư xây dựng bể bơi kiên cố cũng không chịu "đầu hàng". Được biết, hiện nay, dù học sinh chưa nghỉ hè nhưng lãnh đạo Trung tâm VH,TT&TT huyện Mê Linh đã lên kế hoạch phối hợp với 6 bể bơi tư nhân trên địa bàn thực hiện chương trình phổ cập bơi cho khoảng 200 học sinh. Tại Tây Hồ, dù nhiều trường đã tổ chức cho học sinh học bơi ở bể bơi thông minh lắp đặt tại trường, nhưng trung tâm VH,TT&TT vẫn quyết định mở lớp phổ cập bơi cho con em cán bộ, nhân viên cấp quận và phường, học sinh có hoàn cảnh khó khăn thông qua sự hỗ trợ của Ban quản lý bể bơi Sao Mai.

Còn ở huyện Mỹ Đức, với quyết tâm không để việc khó đeo bám mãi, Trung tâm VH,TT&TT huyện mạnh dạn thay đổi cách làm. Thay vì phụ thuộc vào doanh nghiệp, trung tâm chủ động tìm nguồn kinh phí lắp đặt 3 bể bơi thông minh tại các trường, nhanh chóng bắt tay thực hiện mục tiêu "xóa mù" bơi cho trẻ trong năm nay. Theo đó, mỗi bể bơi sẽ được đặt ở mỗi trường trong một tháng, sẽ có 9 trường được đặt bể bơi trong mùa hè năm nay. Trung tâm sẽ miễn phí học bơi cho tất cả học sinh nghèo trong huyện, còn với những học sinh khác các em cũng chỉ phải đóng 500 nghìn đồng để hoàn thành khóa bơi. Phó Giám đốc Trung tâm VH,TT&TT huyện Mỹ Đức Nguyễn Thị Thuyên nói rằng: "Nếu đợi đến khi có bể bơi kiên cố thì không biết lúc nào mới tăng số trẻ em biết bơi trên địa bàn huyện. Vì vậy, thay vì kêu khó và khổ, trung tâm đổi mới cách làm để nhiều trẻ em được "xóa mù" bơi hơn". Còn tại huyện Gia Lâm, trung tâm VH,TT&TT sẽ lần đầu tiên phối hợp với doanh nghiệp đặt 7 bể bơi thông minh tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn trong thời gian học sinh nghỉ hè với mục tiêu dạy bơi cho khoảng 2.000 em.

Có thể nói, sự xuất hiện của bể bơi thông minh tại Hà Nội trong hai năm qua đã gỡ khó cho nhiều trung tâm VH,TT&TT các quận, huyện trong việc chung tay cùng cộng đồng “xóa mù” và tạo sân chơi để trẻ em rèn luyện kỹ năng bơi. Ước tính, hè năm nay toàn thành phố sẽ có khoảng 60 bể bơi thông minh được đưa vào sử dụng.


Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao Đinh Văn Luyến (Sở VH-TT Hà Nội) cho biết, Sở sẽ hỗ trợ tối đa nguồn kinh phí cho các quận, huyện, thị xã trong việc mở lớp phổ cập bơi cho trẻ. Với những địa phương chưa có bể bơi kiên cố, chưa có điều kiện lắp đặt bể bơi thông minh phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn vốn hoặc áp dụng cách tiếp cận khác để thực hiện bằng được mục tiêu phổ cập bơi cho trẻ trên địa bàn.

Theo ông Đinh Văn Luyến, việc nhiều trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (không có nhà thể chất để lắp bể bơi thông minh) phối hợp với các trung tâm đưa học sinh đến địa điểm khác để dạy bơi cũng là một cách làm sáng tạo, một cách vận dụng hay để những quận, huyện còn gặp khó khăn tham khảo. Có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu “xóa mù” bơi cho gần 20.000 trẻ em của thành phố trong mỗi dịp hè.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không vì thiếu bể mà chậm phổ cập bơi cho trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.