(HNM) - Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tiếp tục thực hiện chính sách miễn thị thực cho khách du lịch đến từ bảy thị trường, gồm: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Phần Lan. Sở dĩ có câu chuyện này là do trước đó, đại diện một cơ quan cấp bộ cho rằng, việc miễn thị thực đơn phương nêu trên khiến nước ta mỗi năm thất thu 50 triệu USD.
Thoạt nghe có thể thấy con số "thất thoát" trên là khá lớn nhưng bình tĩnh suy xét sẽ thấy nổi lên không ít vấn đề.
Thứ nhất: Những quốc gia láng giềng quanh nước ta như Thái Lan, Malaysia, Campuchia... đồng thời là những thị trường cạnh tranh nguồn khách nước ngoài chính yếu của ngành du dịch Việt Nam luôn coi việc miễn thị thực là một trong những tiêu chí đầu tiên thể hiện sự thân thiện, mến khách nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của "ngành công nghiệp không khói". Cụ thể: Malaysia đang miễn thị thực cho 155 quốc gia trong khi Thái Lan là 55 quốc gia.
Thứ hai: Không khó để nhận thấy rằng, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam chưa hẳn là điểm đến quá hấp dẫn và thường chỉ được khách du lịch đánh giá cao ở khía cạnh cảnh quan thiên nhiên đẹp. Những yếu tố khác như: Giá thành tour, chia sẻ giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ lữ hành từ đi lại cho tới ăn uống, phòng ốc, giải trí... đều rất hạn chế. Chẳng thế mà du khách đến Hà Nội bao nhiêu năm qua thường chỉ quen thuộc với cảnh "đi ăn tối, xem rối nước" mà ít có "món" gì khác lạ níu chân.
Trong khi đó, khách du lịch đến Việt Nam thường chỉ chi tiêu những nhu cầu thiết yếu cho tour như ăn ở, đi lại, chứ ít khi được chi tiền để vui chơi, mua sắm nên doanh thu và hiệu quả tính trên đầu khách mà ngành du lịch thu được rất thấp. Điều này trái ngược với Thái Lan, Malaysia, khi họ chủ trương bán tour giá thấp nhưng bù lại, du khách đến đây lại bị mê hoặc bởi rất nhiều dịch vụ khác. Ví dụ, tour từ Hà Nội sang Bangkok - Pattaya (Thái Lan) trong 5 ngày thường chỉ chừng 300-400 USD nhưng khách thường khó "cưỡng" lại những dịch vụ mua sắm, giải trí có thể gấp đôi giá thành tour. Ngược lại, giá tour đến Việt Nam 500 USD nhưng suốt cả chặng khách chỉ tiêu vài chục USD là chuyện khá bình thường.
Rõ ràng, nếu áp dụng thu phí thị thực, ngân sách mỗi năm sẽ có thêm 50 triệu USD, một con số không hề nhỏ nhưng chắc chắn ảnh hưởng tới ngành du lịch sẽ lớn hơn nhiều. Bởi theo tính toán của Tổ chức Du lịch thế giới, rào cản tâm lý lớn nhất đối với du khách chính là chi phí cho việc giải quyết thị thực, đặc biệt là thời gian chờ đợi, đi lại để làm việc này. Khách du lịch sẽ lưỡng lự nếu phải chọn giữa Việt Nam, Thái Lan, Malaysia... trong khi chỉ tính riêng ba nguồn khách từ Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản năm 2012 đã mang về cho nước ta 2,2 tỷ USD. Nhưng giá trị ấy không đơn giản chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn là tạo cơ hội cho hàng vạn người dân có việc làm.
Cũng xin nhắc lại rằng, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 2,9 triệu lượt người, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy sự phát triển của ngành du lịch nước nhà chưa bền vững. Thiết nghĩ, trong bối cảnh ấy cần cân nhắc thiệt, hơn giữa việc miễn, không miễn thị thực cho khách hay là xắn tay chấn chỉnh ngay những tiêu cực trong hoạt động du lịch hiện nay, đặc biệt là nạn trộm cắp, cướp giật và "chặt chém" du khách đang xảy ra ở rất nhiều điểm du lịch trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.