Tiếp tục phiên thảo luận về dự thảo Luật về hội, chiều 25/10, đại biểu Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến về thẩm quyền công nhận điều lệ hội và người đứng đầu hội, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội, đặc biệt là việc nên hay không nên thông qua dự án luật tại kỳ họp này.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 25/10. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Rất nhiều băn khoăn đã được các đại biểu đưa ra khi nói về dự án luật quan trọng này.
Cần quan tâm đến quyền lập hội của con người
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) thể hiện sự băn khoăn: “Luật để giữ sự an toàn hay để thúc đẩy phát triển, việc giữ cho an toàn đất nước, đã có cả hệ thống luật pháp”.
Đại biểu cho rằng những trao đổi, thảo luận tại phiên làm việc hôm nay, sự khác biệt trong quan điểm chính là sự giằng xé, cân nhắc, làm thế nào vừa an toàn, vừa bảo đảm quyền của người dân.
Đặt quan điểm xây dựng luật thế nào, chế tài ngăn chặn hiệu ứng tiêu cực ra sao nhưng điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến quyền lập hội của con người. Luật bị sa lầy nhiều vào yếu tố thủ tục.
Còn đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) nhận định hiện có tâm lý e rằng luật ra đời nếu không khéo tổ chức quản lý hoạt động sẽ sinh ra kiểu xã hội dân sự nước ngoài, ở đó nhân tố tích cực cũng có, nhưng tác nhân gây rối loạn xã hội không ít.
Dự thảo luật sao chép nguyên mô hình nước ngoài, mà không chú ý nhiều đến đặc điểm đặc thù của Việt Nam, nên tránh cả hai khuynh hướng này khi xây dựng và ban hành Luật về hội.
Có ý kiến cho rằng Điều 32 dự thảo luật quy định hội đã được thành lập trước ngày luật này có hiệu lực thì không phải thực hiện thủ tục đăng ký thành lập hội, đề nghị công nhận điều lệ hội, người đứng đầu hội cho đến hết nhiệm kỳ.
Theo đó, tất cả các tổ chức hội thành viên hiện có của các tổ chức hội trung ương phải thực hiện đầy đủ các điều khoản về việc tổ chức đại hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 12, lúc này là Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ủy quyền để phê duyệt công nhận kết quả đại hội, điều lệ hội và người đứng đầu để tiếp tục duy trì pháp nhân hoạt động.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các hội trực thuộc đều có tên gọi giống hội cấp trên trực tiếp, thực hiện chung điều lệ, khi đề nghị công nhận pháp nhân tiếp tục sau đại hội sẽ vướng quy định tại Điều 6 về tên, trụ sở, phạm vi hoạt động và biểu tượng của hội.
Đại biểu Lê Quốc Phong (Bình Thuận) bày tỏ, nếu muốn được công nhận sẽ phải thực hiện quy trình gần như là đăng ký mới, nếu không sẽ mất tư cách pháp nhân. Với các hội trực thuộc, khi được hội cấp trên thành lập mới cũng sẽ vướng các điều khoản tương tự.
Những quy định trên là sự kế thừa các quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, nhưng thực tế, trong quá trình thực hiện Nghị định 45 đã gặp nhiều bất cập và chính vì vậy, việc thành lập các tổ chức hội ở các địa phương, trường đại học, cao đẳng rất khó khăn.
Đại biểu Lê Quốc Phong đề xuất, để khắc phục bất cập trên, bảo đảm công tác quản lý nhà nước về hội và giảm bớt áp lực thủ tục thành lập hội lên Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, cần bổ sung vào Điều 12 và Điều 15 một khoản mới theo hướng với các hội đã được công nhận là tổ chức chính trị xã hội, hội có Đảng đoàn, hội có phạm vi hoạt động cả nước, hoạt động hiệu quả, được thành lập trước khi luật này có hiệu lực, được giao quyền thành lập tổ hội thành viên, công nhận kết quả đại hội, người đứng đầu tổ chức hội trực thuộc, hàng năm có thông báo cho Bộ Nội vụ.
Điều kiện thành lập – khó cho tổ chức hội
Quy định điều kiện thành lập hội với nội dung phải có tài sản độc lập với cá nhân, tổ chức khác cũng là điều khiến các đại biểu băn khoăn. Đại biểu Quách Thế Toản (Hòa Bình) cho rằng một số hội chuyên ngành không thể có tài sản, trụ sở độc lập, quy định như vậy sẽ làm khó cho các tổ chức khi thành lập hoặc đang hoạt động phải nhờ trụ sở.
Cũng liên quan đến vấn đề này, từ thực tế hoạt động, đại biểu Lâm Đình Thắng (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định hồ sơ đăng ký thành lập hội bao gồm văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp trụ sở của hội và các tài sản bảo đảm hoạt động của hội là không khả thi, bởi lẽ, các Hội sinh viên của các trường Đại học và cao đẳng không thể có đủ điều kiện tài chính. Chỉ cần áp dụng điều luật này có nghĩa là không có Hội sinh viên nào trên phạm vi toàn quốc có thể thành lập mới trong thời gian tới.
Đề xuất quy định thành 3 nhóm hội, đại biểu Quách Thế Toản (Hòa Bình) cho rằng nhóm thứ nhất là các hội do Đảng, Nhà nước có nhu cầu thành lập, giao nhiệm vụ thì được cấp kinh phí bảo đảm; nhóm thứ hai là các tổ chức xã hội, cũng được cấp kinh phí; nhóm thứ ba là tổ chức hội xã hội theo sở thích.
Trên cơ sở đó, Nhà nước có chính sách giao biên chế và cấp kinh phí cho phù hợp. Trên thực tế, vừa qua nhà nước đã tạo điều kiện cấp kinh phí cho các hội hoạt động, nếu không có nguồn kinh phí này, hội không hoạt động được, giảm sự cống hiến, đóng góp cho đất nước.
So sánh từ kinh phí dành cho cắt cây, cỏ của thành phố Hà Nội cũng tới vài trăm tỷ đồng một năm, trong khi phần chi ngân sách cho các hội đặc thù cũng chỉ vài ba trăm tỷ đồng, đại biểu cho rằng đầu tư cho các hội cũng là sự đầu tư thỏa đáng. Để các hội tự trang trải kinh phí cũng nên tính toán từng bước.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật về hội. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cho rằng mong muốn của cử tri là hoạt động của hội phải bảo đảm nguyên tắc tự chủ, tự trang trải tự, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí khi thực hện nhiệm vụ do nhà nước giao. Dự thảo luật cần quy định rõ phân cấp quản lý nhà nước đối với các tổ chức hội, ở trung ương thì quản lý cấp hội nào, địa phương quản lý cấp hội nào.
Tránh tình trạng như hiện nay, nhất là đối với các hội đặc thù, trung ương có hội nào thì địa phương có hội đó, gây tốn kém ngân sách rất nhiều, thành lập hội xong lại yêu cầu cấp ngân sách để xây trụ sở, cấp phương tiện hoạt động, hàng năm, HĐND tỉnh phải phân bổ ngân sách hoạt động gây khó khăn cho cả ngân sách trung ương và địa phương.
Đề xuất chưa thông qua Luật về hội tại kỳ họp thứ hai
Nhiều đại biểu cho rằng, đây là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động lớn đến xã hội, quyền con người, quyền công dân. Trong khi một số nội dung của dự thảo luật chưa được tổng kết, báo cáo đánh giá tác động và cũng chưa lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến đối tượng bị điều chỉnh và chưa có sự đồng thuận cao thì không nên thông qua tại kỳ họp này, mà cần phải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.
Chỉ rõ đạo luật này chưa bám sát các quan điểm trong Hiến pháp, chưa giải quyết được vấn đề quan trọng là chính sách đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước, không phân biệt được các loại hội về quy mô, tính chất, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị ban soạn thảo phải làm rõ, báo cáo Quốc hội một cách hết sức thận trọng vấn đề này và chưa thông qua tại kỳ họp này.
“Không vì áp lực xã hội mà vội vã thông qua Luật về hội”, đại biểu Bùi Mậu Quân (Hải Dương) cảnh báo. Còn đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng luật càng sớm ra càng tốt, nhưng chắc chắn chưa thể thông qua được tại kỳ họp này.
“Do sự chuẩn bị chưa được chu đáo, đầy đủ, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu chu đáo để tạo sự đồng thuận cao” - Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tiếp thu ý kiến của các đại biểu. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, 49 ý kiến thảo luận tại hội trường về dự thảo luật là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp với xu hướng chung của đất nước, nhất là trong thời kỳ thực hiện hội nhập với mong muốn mở ra điều kiện hội nhập tốt hơn để cho hội hoạt động theo khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.
Ban soạn thảo sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến và cùng với cơ quan thẩm tra tổng hợp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, nhất là các vấn đề do Chính phủ quy định.
Vì còn nhiều ý kiến và còn có ý kiến khác nhau về dự thảo luật, đặc biệt là vấn đề lớn từ Điều 14 đến Điều 12, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị chủ tọa xem xét, để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu cho thật chu đáo, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao mới thông qua luật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.