Ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Nam Định vừa thống nhất không tổ chức phát ấn tại đền Trần vào đêm 14 tháng giêng hàng năm.
Tại cuộc họp mới đây, UBND thành phố Nam Định đã báo cáo, do lượng khách đổ về dự lễ phát ấn quá đông, phương tiện giao thông nhiều, lực lượng giám sát trông coi không đủ nên dẫn đến việc một số đơn vị, hộ dân tự đứng ra tổ chức trông coi và thu phí cao hơn giá quy định. Các điểm phát ấn quá ít so với lượng khách có nhu cầu và không phù hợp, gây tình trạng chờ đợi lâu, chen lấn, tạo sơ hở cho kẻ gian hoạt động.
Theo Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, mặc dù chính quyền địa phương đã cố gắng trong việc quản lý và tổ chức lễ khai ấn nhưng thực tế nhiều năm gần đây vẫn để xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy, gây bức xúc trong dư luận cả nước. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là việc tổ chức phát ấn cho người dân.
Nhiều thanh niên giẫm đạp lên nhau để xin ấn đền Trần. Ảnh: Tiến Dũng. |
Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh kết luận, các nghiên cứu lịch sử cho thấy việc khai ấn tại đền Trần là có, nhưng việc tổ chức phát ấn và phát ấn như hiện nay thì chưa tài liệu lịch sử nào ghi chép.
Bộ trưởng đã chỉ đạo, lễ khai ấn tại đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống, không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng giêng.
Đêm 14 tháng giêng vừa qua, tại lễ khai ấn đền Trần, hàng vạn người dân đã chen lấn, giẫm đạp nhau dẫn đến tình trạng mất an ninh trật tự, nhiều người bị mất tiền, điện thoại, ngất xỉu giữa đám đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.