(HNM) - Làng thể thao Hà Nội nửa cuối năm 2016 này sẽ chứng kiến một sự kiện lớn khi một doanh nghiệp Hàn Quốc chính thức đồng hành cùng CLB Vật Hà Nội. Đó sẽ là đội vật đầu tiên tại Việt Nam mang màu sắc xã hội hóa rõ rệt. Và một hướng đi cho nhiều môn từ trước đến nay vốn “đóng băng” trước xu hướng xã hội hóa thể thao có thể sẽ được mở ra để gỡ khó cho thể thao Thủ đô về nhiều mặt.
Vũ Thị Hằng (đỏ) - đô vật hàng đầu của Hà Nội sẽ được doanh nghiệp tiếp sức |
*Không thể đứng ngoài cuộc chơi
Không ít môn thể thao Olympic tại Hà Nội đã được xã hội hóa mạnh mẽ trong đó nổi bật hơn cả vẫn là bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông. Nhiều doanh nghiệp đã chen chân vào lĩnh vực bóng đá. Người thành công cũng có, kẻ thất bại cũng không ít. Hiện tại Hà Nội T&T đang thành công nhờ chiến lược đầu tư đúng đắn của mình trong đó ưu tiên hệ thống đào tạo trẻ. Nguồn cầu thủ từ Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đã cung cấp không ít cầu thủ tài năng cho Hà Nội T&T để đội bóng này phát triển hết tài năng cầu thủ nhờ nguồn tài chính ổn định và chế độ đãi ngộ được xem là chấp nhận được so với mặt bằng chung. Còn bóng bàn Hà Nội cũng đã có bước chuyển mạnh mẽ từ khi Hà Nội T&T bước vào làng bóng bàn Việt Nam. Những tay vợt hàng đầu của Hà Nội như Trần Tuấn Quỳnh, Phan Huy Hoàng được biệt phái sang Hà Nội T&T để làm nòng cốt cho đội trong thời gian dài.
Quan điểm của lãnh đạo ngành thể thao Hà Nội cũng rõ ràng, VĐV Hà Nội có thể đến bất kỳ đội bóng doanh nghiệp nào, nhất là trên địa bàn Thủ đô, nếu việc đó tốt cả về chuyên môn lẫn thu nhập. Bóng rổ cũng vừa gây chú ý sau sự ra đời của CLB HaNoi Buffaloes – đội bóng tập hợp nhiều càu thủ của đội Phòng không – Không quân và Hà Nội. Còn Bóng chuyền từng là hình mẫu về xã hội hóa thể thao khi cả hai đội Bưu điện Hà Nội nam, nữ đặt dấu ấn mạnh mẽ trong làng bóng chuyền Việt Nam. Mô hình “nhà nước và doanh nghiệp cùng làm” từng khiến Bưu điện Hà Nội trở nên nổi tiếng, trụ vững ở đỉnh cao bóng chuyền Việt Nam trong nhiều năm. Chỉ khi doanh nghiệp gặp khó thì đội bóng chuyền Bưu điện Hà Nội mới giải thể. Riêng các tay vợt cầu lông có “lặng lẽ” hơn nhưng rõ ràng họ yên tâm theo nghề cũng vì nhận được sự hỗ trợ của doanh nghiệp bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước.
Nhưng cũng có những môn giàu tiềm năng xã hội hóa như Vật lại vẫn phải đứng ngoài xu hướng xã hội hóa trong một thời gian dài. Người ta đã tính rằng, không ít đại gia ở Hà Nội đam mê môn thể thao này. Đến mức, đã có người bỏ cả tỷ đồng để tổ chức giải vật làng trong vài ngày. Còn số người bỏ vài chục triệu đồng vào các hội vật làng nhiều không xuể. Cũng lạ khi không ai tham gia hỗ trợ thường xuyên cho VĐV trọng điểm nào đó. Đấy là vấn đề khiến những người có trách nhiệm với Vật Hà Nội ưu tư. Kinh phí Nhà nước đủ để họ lo các vấn đề chuyên môn cho VĐV, bảo đảm để Vật Hà Nội vẫn giữ được vị thế hàng đầu cả nước. Nhưng kinh phí để mang lại cuộc sống ổn định cho VĐV lại là câu chuyện khác.
Đến một VĐV hàng đầu của Hà Nội cũng chỉ có mức thu nhập khoảng trên 7 triệu đồng/ tháng từ tiền ăn, tiền công tập luyện. Chẳng thế, nhiều người đã nói rằng đời VĐV ráo mồ hôi sau tập luyện, thi đấu là hết tiền. Sau một thời gian dài kết nối, đặt vấn đề, người phụ trách môn Vật Hà Nội là Đới Đăng Hỷ cũng tìm được một doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Hà Nội là Sungshin Vina muốn khuếch trương thương hiệu thông qua tài trợ cho đội Vật rồi sau đó có thể sở hữu riêng một đội Vật. Chủ trương này cũng nhận được sự ủng hộ của Sở VH- TT Hà Nội nên việc thỏa thuận hợp tác càng hanh thông.
Ban đầu, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ cho 10 VĐV tiêu biểu, có tiềm năng phát triển lâu dài của Vật Hà Nội bằng tiền mặt, trang thiết bị tập luyện và thi đấu cũng như điều kiện để đi tập huấn nước ngoài. Ngoài ra, những VĐV được tài trợ có thể sẽ được nhận vào làm việc ở doanh nghiệp này sau khi giải nghệ nếu có thành tích quốc tế ổn định trong thời gian dài. Đấy là điều đang thiếu ở nhiều môn thể thao Hà Nội, nơi đầu ra luôn là bài toán khó giải.
*Mở đường cho các môn khác?
Trước đây, nhiều người cũng không tin rằng môn Vật có ngày được doanh nghiệp chính thức đồng hành như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông. Việc này được coi như là điều không thể. Thế nhưng, khi những người có trách nhiệm kiên trì theo đuổi xu hướng xã hội hóa thì đã cho ra kết quả tích cực. Như giải thích của Chủ nhiệm CLB Vật Hà Nội Đới Đăng Hỷ thì:”Quan trọng là doanh nghiệp thấy tiềm năng phát triển của môn thể thao đó thế nào rồi thành ý của mình ra sao. Tất cả những điều đó sẽ góp phần làm nên hiệu quả cho sự phát triển thương hiệu của doanh nghiệp đó. Đương nhiên, doanh nghiệp “khỏe” thì VĐV cũng “khỏe”. Đấy cũng là cách hữu hiệu để giữ chân VĐV, khiến họ yên tâm cống hiến hết mình cho đơn vị chủ quản”.
Điều này lại một lần nữa khiến người ta tin rằng chẳng có gì là không thể. Rằng mọi điều “không thể” đều trở thành “có thể”. Thể thao Hà Nội cũng còn không ít môn có thể tiếp cận được xu hướng xã hội hóa để giảm gánh nặng kinh phí cho nhà nước, tăng thu nhập cũng như cơ hội cọ xát, thi đấu quốc tế cho VĐV như Điền kinh, Xe đạp, Cờ vua thậm chí một số môn võ như Karatedo, Taekwondo… Dù rằng mỗi môn có điều kiện khác nhau nhưng rõ ràng, cách đi của môn Vật cũng sẽ “cởi nút” về tư tưởng, quan niệm trong cách làm của nhiều môn thể thao vốn bị coi là khó nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.