Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể tước đoạt quyền lợi của người lao động

Trung Nguyên| 27/12/2013 06:00

(HNM) - Tính đến hết tháng 11-2013, tổng số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của cả nước là 10.659 tỷ đồng. Con số này tăng 22% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó nợ BHXH lên tới 7.193,9 tỷ đồng, nợ BHYT lên tới 2.912,8 tỷ đồng, nợ BHTN lên tới 552,2 tỷ đồng.


Thực trạng này cho thấy tình trạng nợ đọng BHXH vẫn là vấn đề nhức nhối. Nhiều năm trở lại đây, doanh nghiệp chây ỳ, lần lữa đóng BHXH cho người lao động diễn ra khá phổ biến, bao gồm cả doanh nghiệp trong nước lẫn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cả doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ lẫn doanh nghiệp lớn. Điều này đồng nghĩa với việc quyền lợi của người lao động bị xâm hại nếu không may ốm đau, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp... Những nguyên nhân của thực trạng này không mới. Trong buổi cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí ít ngày trước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thừa nhận: Chế tài xử lý hành vi nợ đọng BHXH còn bất cập, mức lãi suất chậm đóng thấp hơn lãi suất ngân hàng, cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm... Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn cũng khiến doanh nghiệp "bí" và đáng lưu ý là nhận thức của cả người sử dụng lao động lẫn người lao động chưa đầy đủ về lĩnh vực này. Có thể "mổ xẻ" nhiều khía cạnh về những nguyên nhân cũ nêu trên: Chế tài xử lý vi phạm còn bất cập tất yếu đẻ ra tình trạng doanh nghiệp lách luật, lợi dụng lỗ hổng để phớt lờ quyền lợi của người lao động; lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn lãi suất ngân hàng vô hình trung khuyến khích doanh nghiệp chiếm dụng BHXH phục vụ cho mục tiêu sản xuất - kinh doanh... Tuy nhiên, khi chính người lao động chưa nhận thức đầy đủ về quyền lợi của bản thân thì rõ ràng công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo hiểm xã hội có quá nhiều vấn đề.

Để tháo gỡ thực trạng nợ đọng, vài năm trở lại đây, BHXH nhiều địa phương đã viện đến nhiều giải pháp, bao gồm cả khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng hoặc cố tình chây ỳ, trốn tránh đóng bảo hiểm cho người lao động. Việc giải quyết tranh chấp, đòi lại quyền lợi cho người lao động thông qua tòa án trong nhiều trường hợp đã đòi lại lẽ phải về... pháp lý (điều đương nhiên) cho người lao động. Bởi lẽ, ngay cả khi có phán quyết, công tác thi hành án cũng rất khó khăn bởi doanh nghiệp không còn khả năng tài chính hoặc tiếp tục chây ỳ, lần lữa...

10.659 tỷ đồng là con số khổng lồ, liên quan quyền lợi của hàng trăm nghìn lao động. Thẳng thắn mà nói, các doanh nghiệp đã công nhiên tước đoạt quyền lợi của người lao động, còn cơ quan quản lý thì bất lực. Theo Luật Bảo hiểm xã hội, BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH. Hình sự hóa hành vi doanh nghiệp trốn tránh, chây ỳ, nợ BHXH - bản chất là sự tước đoạt quyền lợi của người lao động - là giải pháp duy nhất thực sự hiệu quả. Và cũng chỉ có áp dụng việc hình sự hóa mới chấm dứt được tình trạng cơ quan BHXH lẽo đẽo chạy theo doanh nghiệp hiện nay.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể tước đoạt quyền lợi của người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.