(HNM) - Ứng dụng công nghệ cao (CNC) được cho là chìa khóa giải quyết những tồn tại về chất lượng sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Tuy nhiên, để phát triển nông nghiệp CNC, ngoài những chính sách hỗ trợ cần thiết, sự vào cuộc của các doanh nghiệp (DN) giữ vai trò hết sức quan trọng. Đó là một trong những nội dung chính được Sở NN&PTNT xác định tại cuộc họp bàn về phát triển nông nghiệp CNC diễn ra sáng 23-2.
Bước phát triển tất yếu
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ: Ứng dụng CNC vào sản xuất là một trong những nội dung quan trọng của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Thủ đô. Từ đầu năm 2015, ngành nông nghiệp Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển ứng dụng nông nghiệp CNC giai đoạn 2015-2020 và được UBND thành phố phê duyệt. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ lấp đầy khu nông nghiệp CNC và xây dựng được ít nhất 1-2 vùng nông nghiệp CNC trong mỗi lĩnh vực. Đến năm 2020 hình thành và phát triển ít nhất 20 DN nông nghiệp CNC. Để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển nông nghiệp CNC, cuối năm 2015, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xúc tiến thương mại nông nghiệp tại quận Hà Đông với diện tích gần 76ha.
Chăm sóc hoa được trồng theo mô hình công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Bảo Lâm |
Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội - đơn vị được Sở NN&PTNT Hà Nội giao triển khai xây dựng và đưa trung tâm vào hoạt động, cho biết: Hà Nội có nhiều nông sản, đặc sản được người tiêu dùng ưa thích như: cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn Quốc Oai, gà mía Đường Lâm, vịt cỏ Vân Đình… Trong đó, nhiều loại nông sản đã xây dựng được thương hiệu và đang phát huy giá trị như: sữa Ba Vì, chè Ba Vì, chè an toàn Bắc Sơn… Do vậy, việc đưa CNC vào sản xuất sẽ thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, tăng thu nhập cho nông dân. Thực tế, theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Hà Nội cũng đã có một vài cơ sở sản xuất ứng dụng CNC cho hiệu quả cao. Có thể kể ra một số ví dụ như chương trình chọn tạo giống và chăm sóc cây trồng, vật nuôi được triển khai tại các huyện, thị xã; chương trình phát triển đàn bò BBB, sử dụng tinh phân biệt giới tính trong chăn nuôi bò sữa; hay trồng lan nuôi cấy mô… Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các mô hình, chương trình chưa được nhân rộng.
Và vai trò của doanh nghiệp
Là một trong những huyện có những chuyển biến lớn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Đan Phượng đã hình thành nhiều vùng cây ăn quả, hoa, chăn nuôi theo hướng tập trung, ứng dụng CNC trong sản xuất. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Nông dân sẵn sàng chuyển đổi cơ cấu cây trồng và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để nâng cao trình độ sản xuất. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp nói chung còn nhiều khó khăn do cơ chế chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn vẫn rườm rà, khó tiếp cận nên nông dân chưa mạnh dạn tham gia. Đặc biệt, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp CNC vẫn là bài toán khó giải. Theo ông Hoàng, để tháo gỡ vướng mắc, không thể thiếu bóng dáng doanh nghiệp.
Tại một số buổi làm việc với ngành nông nghiệp trước đây, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt nhấn mạnh: Để "kéo" DN vào cuộc, ngành nông nghiệp cần tăng cường gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của DN để có giải pháp tháo gỡ, thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Doanh nghiệp phải được xem là đối tượng chủ lực trong đầu tư, phát triển nông nghiệp CNC của Hà Nội. Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định: Bên cạnh việc xây dựng cơ chế hỗ trợ, sẽ quyết liệt tìm giải pháp, chỉ đạo, sản xuất nông sản chất lượng, có sức cạnh tranh, từng bước khai thông những rào cản trong phát triển nông nghiệp CNC trên địa bàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.