(HNM) - Thông tư 02/TT-BXD của Bộ Xây dựng với việc khẳng định: Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng..., đã làm "nóng" dư luận mấy ngày qua.
Nhiều người cho rằng việc đưa Thông tư 02 vào thi hành, sẽ tạo thêm đất sống cho tiêu cực trong ngành xây dựng; đồng thời khiến việc quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị vốn đã, đang gặp rất nhiều khó khăn, càng trở nên phức tạp. Không ít câu hỏi được đặt ra: Phải chăng cứ nộp tiền là có thể sai phạm? Sự nghiêm minh của pháp luật ở đâu? Tinh thần thượng tôn pháp luật ở đâu?
Người có trách nhiệm biện bạch rằng sở dĩ thông tư có điều khoản như vậy là để tránh lãng phí tiền của, công sức của chủ doanh nghiệp, chủ dự án nếu công trình bị dỡ bỏ hay phá hủy, vì suy cho cùng thì cũng là tiền bạc của xã hội. Thế nhưng, thử đặt câu hỏi: Nếu Hà Nội không "ra tay" với những "hàm cá mập", "Hà Nội vàng"..., Hồ Gươm còn lung linh như hiện nay? Nếu Hà Nội không "phạt ngọn" một số công trình sai phép, kỷ cương đô thị sẽ đi tới đâu? Nếu "phạt để tồn tại", người dân chắc chắn sẽ xây nhà sai phép chứ không xin phép, bởi thủ tục hành chính nhiêu khê và quan trọng hơn, tiền phạt không thể so với giá trị nhà nếu được tồn tại. Lúc đó quy hoạch đô thị sẽ thế nào? Viễn cảnh những ngôi nhà chồng diêm, ốp kính đặt chềnh ềnh bên những ngôi chùa cổ, những ngõ nhỏ, phố nhỏ đã ở trước mắt.
Một vấn đề nữa, nguyên tắc của luật pháp đã sai phạm là phải xử lý nghiêm. Nếu vi phạm được "phạt để tồn tại" thì chắc chắn sẽ tiếp tục có thêm nhiều sai phạm nữa và hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng xây dựng nhà trái phép tràn lan. Khi pháp luật không đủ sức răn đe thì hậu quả thế nào có lẽ không phải bàn thêm. Như vậy, Thông tư 02 không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tính nghiêm minh của luật pháp mà còn tạo ra tiền lệ xấu cho việc hợp pháp hóa công trình sai phạm. Chưa kể tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra trong quy trình điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với công trình sai phép. Chuyện "được nộp" bao nhiêu và "phải nộp" bao nhiêu rõ là vấn đề không đơn giản trong thực tế.
Theo thống kê từ một cuộc khảo sát gần đây thì cứ 100 giấy phép xây dựng phát ra tại các thành phố lớn thì có khoảng 70 trường hợp xây dựng sai phép. Có người nói Thông tư 02 tháo gỡ khó khăn cho việc quản lý trật tự xây dựng ở địa phương nhưng lại không thể trả lời được câu hỏi: Khi thông tư được thi hành, tỷ lệ nhà xây dựng sai phép sẽ là bao nhiêu? Trong một xã hội kỷ cương, văn minh, hiện đại, tinh thần thượng tôn pháp luật cần phải được coi trọng, bất cứ trường hợp vi phạm nào đều phải xử lý và xử lý nghiêm. Do vậy, chuyện nộp tiền cho vi phạm để tiếp tục vi phạm là không thể chấp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.