Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể o ép giá

Ngọc Quỳnh - Ánh Dương| 08/01/2015 06:53

(HNM) - Những ngày gần đây, nông dân xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), Vân Hòa (huyện Ba Vì) - hai địa phương có đàn bò sữa thuộc diện nhiều nhất TP Hà Nội đứng ngồi không yên vì lượng sữa sản xuất ra không tiêu thụ hết hoặc bị ép giá. Điều này khiến chủ trương nhân rộng đàn bò sữa trên địa bàn


Vấn đề ổn định đầu ra…

Thôn Muồng Phú Vàng (xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) có ông Nguyễn Chí Thành lập trạm thu gom sữa của 64 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa tại các thôn: Muồng Phú Vàng, Đa Cuống, Muồng Voi và Muồng Cháu để bán cho Công ty CP Sữa Xuân Mai từ năm 2012, với sản lượng 1.400kg/ngày. 2 năm gần đây, Công ty CP Sữa Xuân Mai có chính sách hỗ trợ tăng đàn bò sữa và thực hiện định hướng phát triển kinh tế của chính quyền địa phương nên nhiều hộ đã đầu tư nuôi thêm bò sữa… Tuy nhiên, đến tháng 10-2014, Công ty Sữa Xuân Mai lại thông báo "tạm ngừng thu mua sữa nguyên liệu từ ngày 1-11-2014…". Để tránh gây hoang mang cho các hộ chăn nuôi, Trạm thu gom đã đề đạt nguyện vọng với UBND xã Vân Hòa, đề nghị Công ty cổ phần (CP) Sữa quốc tế (IDP) hỗ trợ, thu mua sữa nguyên liệu của 64 hộ. Cuối tháng 10-2014, sau khi tiếp nhận đơn của Trạm thu gom ở thôn Muồng Phú Vàng và các hộ chăn nuôi bò sữa, Công ty CP Sữa quốc tế đã đồng ý mua sữa nguyên liệu.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của gia đình ông Lê Đình Năm (thôn Muồng Phú Vàng, xã Vân Hòa) có hơn 20 con bò sữa.



Mọi việc tưởng như đã ổn định, thế nhưng từ ngày 25-12-2014, các hộ chăn nuôi bò sữa xã Vân Hòa lại rơi vào âu lo vì một "thông báo" ở các Trạm thu gom của Công ty CP Sữa quốc tế, với nội dung "Từ ngày 25-12-2014 đến 30-2-2015 nhà máy lấy sữa tại trạm không hết vì sản lượng sữa hằng ngày của các hộ tăng. Vì vậy trạm thông báo mỗi một buổi, các hộ phải đem sữa về từ 1 đến 5kg/buổi: Sản lượng sữa từ 10kg/buổi trả về 1kg; từ 15-30kg/buổi thì đem về 2kg…". Thêm nữa, những hộ nào có nhu cầu bán số sữa còn lại trong ngày cho trạm, thì phải chấp nhận hạ giá sữa xuống còn 5.000-5.500 đồng/kg trạm… tiếp tục thu mua (?). Không những thế, theo hợp đồng đã ký kết, phương thức thanh toán tiền định kỳ 2 lần/tháng (ngày 10 và 25 hằng tháng), nhưng hiện tại đã quá hạn 1 tháng, các hộ chăn nuôi bò sữa vẫn chưa được nhận tiền…

Đáng lưu ý, xã Vân Hòa có hơn 800 hộ gia đình chăn nuôi bò sữa, mỗi hộ có từ 2 đến 8 con, khoảng 60 hộ nuôi từ 10 con trở lên. Toàn xã có 3.730 bò sữa, trong đó có 2.590 con đang ở độ tuổi khai thác với sản lượng sữa bình quân 17.000 kg/ngày. Các hộ này chủ yếu bán sữa bò cho Công ty CP Sữa Quốc tế (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) thông qua các trạm thu gom và bảo quản nằm trên địa bàn. Ngoài ra, có hơn 60 hộ bán sữa cho Công ty CP Sữa Xuân Mai (xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ) và khoảng 20 hộ bán sữa tự do...

Trong khi đó, tại xã Phù Đổng (Gia Lâm), Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Hưng cho biết, tổng đàn bò sữa của xã là 2.230 con, trong đó có 1.660 con cho khai thác với sản lượng 16 tấn/ngày. Trên địa bàn có 6 trạm thu mua sữa cho các công ty, trong đó Công ty CP Sữa quốc tế thu mua khoảng 43%, còn lại là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk). Khoảng 1 tuần nay, việc tiêu thụ sữa của bà con trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Theo phản ánh của các trạm thì nguyên nhân là do Công ty CP Sữa quốc tế thông báo trong thời gian tới hạn chế việc thu mua sữa trong đó có huyện Gia Lâm, do công ty đang gặp khó khăn. Thời điểm hiện tại, các công ty sữa ký hợp đồng với trạm thu mua 1 tạ/ngày trong khi trạm đang phải thu mua cho nông dân 1,2 tạ/ngày nên lượng sữa còn lại trạm phải tự bảo quản. Trong trường hợp không bán được coi như đổ bỏ.

Ông Nguyễn Hữu Ất, hộ nuôi bò ở thôn Phù Dực 1 (Phù Đổng) cho biết, hiện gia đình có 2/3 con bò cho khai thác sữa, với sản lượng 55-60kg/ngày, nhưng chỉ bán được khoảng 70% lượng sữa vắt ra cho trạm thu mua, còn lại bán rẻ cho các trạm tư nhân với số lượng nhỏ và bán cho các đại lý trên địa bàn TP Hà Nội. Hiện nay, các hộ chăn nuôi ở Phù Đổng rất muốn ký kết hợp đồng với công ty sữa để ổn định đầu ra nhưng phía doanh nghiệp nói phải chờ qua Tết Nguyên đán. Từ nay đến Tết còn hơn 1 tháng, nếu tình trạng này không được cải thiện thì lượng sữa hằng ngày vẫn sản xuất ra sẽ lâm vào cảnh tồn ứ.

… Và giải pháp lâu dài

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về sự việc xảy ra tại xã Vân Hòa, bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nông vụ - Công ty CP Sữa quốc tế cho biết: Những hộ bán sữa cho công ty đều được ký hợp đồng với thời hạn 24 tháng. Công ty không điều chỉnh giảm giá, chỉ cắt khoản hỗ trợ vệ sinh chuồng trại 500 đồng/kg từ tháng 11-2014. Mức giá thu mua sữa giữ ổn định từ 13.000 đồng đến 13.500 đồng/kg. Những hộ có chất lượng sữa tốt, được trả tới 14.000 đồng/kg. Đối với những hộ trước đây đã bán sữa cho công ty khác, nay có nhu cầu bán sữa cho Công ty CP Sữa quốc tế sẽ được thu mua, với điều kiện cắt hỗ trợ mùa vụ 2.000 đồng/kg trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công ty tiếp nhận.

Bà Nguyễn Thị Mai khẳng định: "Công ty không thông báo cho các trạm thu gom trả về cho các hộ dân 10% sữa hằng ngày, tiền sữa thanh toán cho hộ chăn nuôi đã được chuyển đến các trạm từ ngày 26-12-2014. Việc xuất hiện nội dung thông báo gây bức xúc cho các hộ chăn nuôi bò xã Vân Hòa là do các trạm thu gom tự ý làm. Công ty sẽ sớm kiểm tra, nếu sự việc gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty, sẽ đình chỉ hoạt động của trạm...".

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Đạt, một trong những chủ trạm thu gom sữa trên địa bàn xã Vân Hòa thừa nhận: "Nội dung thông báo do tôi tự viết ra...". Chính sự "tự ý" này cho thấy các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Vân Hòa đang bị các trạm thu gom o ép, buộc phải bán một phần sản lượng sữa trong ngày với giá rất thấp. Một vấn đề người chăn nuôi bò sữa ở Vân Hòa đặc biệt quan tâm là hiện tại trên địa bàn xã chỉ có một đơn vị thu mua sữa tươi nguyên liệu; nếu đơn vị này… "ngoảnh mặt" với nông dân, ngừng thu mua sữa như Công ty CP Sữa Xuân Mai, thì hàng nghìn kilôgam sữa mỗi ngày sẽ không có nơi tiêu thụ. Liệu người dân Vân Hòa có rơi vào tình trạng phải đổ sữa đi?

Trước những lo lắng của người dân xã Phù Đổng, Trạm trưởng trạm trung chuyển sữa Vinamilk xã Phù Đổng Vũ Văn Thực cho biết, các trạm thu mua sữa đã chủ động liên hệ với một số công ty thu mua khác như Công ty Sữa Hà Nội (Hanoimilk) để mua sữa nguyên liệu cho bà con. Tuy nhiên, các đơn vị này chỉ thu mua cho một số hộ dân mới nuôi bò, còn các gia đình đang cung cấp cho Công ty CP Sữa quốc tế thì không có chính sách thu mua. Trong khi đó, Công ty CP Sữa quốc tế thông báo sắp tới có thể sẽ ngừng thu mua tại Gia Lâm mà chỉ thu mua trên địa bàn huyện Ba Vì khiến người nuôi bò sữa ở Phù Đổng hoang mang.

Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Văn Hưng cho rằng, nông dân cần bình tĩnh bởi mùa đông đang là thời điểm bò sinh sản nhiều, sữa đạt sản lượng cao. Hiện tại, Công ty CP Sữa quốc tế mới chỉ thông báo "miệng", chưa có văn bản nào cho biết tiếp tục hay ngừng việc mua sữa. Hiện chính quyền địa phương đã báo cáo với lãnh đạo huyện, đề nghị Công ty Sữa Vinamilk đóng trên địa bàn huyện Gia Lâm tiếp tục thu mua lượng sữa còn thừa trong dân để người dân yên tâm sản xuất. Ngoài ra, xã không khuyến khích mở rộng chăn nuôi mà giữ vững số đầu con hiện có để vừa bảo đảm đầu ra và không gây ô nhiễm môi trường.

Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cũng nhận định, tình trạng không tiêu thụ được sữa trên địa bàn xã Phù Đổng diễn ra từ cuối tháng 12-2014, một phần do Công ty CP Sữa quốc tế đang có sự thay đổi về nhân sự. Hơn nữa, ý thức của người dân trong việc mua bán sản phẩm với doanh nghiệp chưa cao, khi lượng sữa thừa bắt doanh nghiệp phải thu mua toàn bộ nên các công ty không chấp nhận. Tuy nhiên, để gỡ khó cho nông dân, trung tâm đã có buổi làm việc với các công ty sữa nhằm tìm lối ra cho sản phẩm và Hanoimilk đã nhận lời thu mua một phần sản phẩm sữa dư thừa cho nông dân. Nhưng đây chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, khoa học kỹ thuật, người dân cần phải ký kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp để ổn định giá thu mua ở cả thời điểm mùa hè cũng như mùa đông và không phá vỡ hợp đồng khi sữa được giá.

Từ hai vụ việc nêu trên có thể thấy, để người dân yên tâm đầu tư phát triển chăn nuôi tăng đàn bò sữa, góp phần nâng cao thu nhập, chính quyền các cấp cần sớm có biện pháp giúp đỡ các hộ chăn nuôi bò sữa ở xã Phù Đổng, Vân Hòa nói riêng và Hà Nội nói chung có nơi tiêu thụ nguyên liệu ổn định và không để xảy ra tình trạng o ép giá sữa, gây thiệt thòi cho nông dân. Có như vậy, chủ trương phát triển đàn bò sữa ra diện rộng, cung cấp một nguồn thực phẩm chất lượng, hạn chế nhập khẩu sữa mới sớm trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể o ép giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.