(HNM) - Cuối tuần trước, đại diện lãnh đạo ngành y tế Hà Nội tuyên bố từ nay đến cuối năm sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn Thủ đô. Chuyện này được tuyên bố rộng rãi sau khi cơ quan chức năng kết luận rằng chất lượng nước sinh hoạt tại khu vực Mỹ Đình II không bảo đảm theo quy định.
Tuần trước còn có chuyện một thí sinh tham gia cuộc thi sắc đẹp - được đánh giá có quy mô… "ao làng" - đã vứt bỏ dải băng ghi dòng chữ "Người đẹp hình thể" vào thùng rác vì cho rằng cả giải thưởng lẫn tầm cỡ của cuộc thi không xứng với cô. Chuyện mang tính cá nhân đơn thuần nếu như sau đó không có sự phát sinh: Sau khi dư luận lên tiếng, khá là ồn ã, cơ quan quản lý văn hóa đã vào cuộc, kết luận ban đầu là cuộc thi nói trên được… tổ chức "chui". Chuyện sau đó tất yếu là kiểm tra, xử phạt, kiến nghị giải pháp nhằm lấp "lỗ hổng quản lý".
Đời sống cho thấy nhiều vấn đề đơn giản mà hóa phức tạp nếu công tác quản lý, dự phòng không được làm tốt. Hai chuyện trên, xét về lĩnh vực quản lý và biểu hiện cụ thể thì có sự khác, nhưng có điểm chung là giải pháp quản lý chỉ được đưa ra khi "sự đã rồi", ít nhiều để lại hậu quả. Nó cũng như khi xảy ra sự cố liên quan đến tiêm chủng mở rộng, tu bổ di tích, nhập lậu hàng nông sản không bảo đảm chất lượng… tất cả đều gây ảnh hưởng xấu đối với đời sống cộng đồng. Với những việc nói trên, chúng ta thường thấy sự phản ứng chậm, mức độ xử lý sai phạm không đủ sức răn đe khiến sự xấu có cơ hội tiếp diễn, kéo dài.
Đã đến lúc chúng ta không thể đuổi theo sự kiện được nữa, cần có giải pháp đủ sức đón đầu sự kiện, hạn chế hành động sai và hậu quả từ nó. Muốn vậy, sự phân định về quy trình quản lý, giải pháp quản lý và trách nhiệm của tập thể, cá nhân cần phải được làm rõ hơn, đặc biệt là khi có sự cố xảy ra. Cơ quan quản lý ngành và chính quyền địa phương có thể tổ chức những đợt thanh - kiểm tra trên diện rộng, nhưng tốt nhất là nên làm tốt trách nhiệm quản lý thường xuyên nhằm ngăn chặn những sự vụ đau lòng như đã thấy qua vụ chết người ở Thẩm mỹ viện Cát Tường, hàng nghìn hộ gia đình phải chịu cảnh dùng nước không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài… Làm tốt trách nhiệm được giao hằng ngày, bắt đầu từ việc nhỏ, từ hiện tượng đơn lẻ thì chắc chắn tốt hơn là chỉ "động tay, động chân" quyết liệt sau khi có thiệt hại trên diện rộng. Nói vậy là bởi nếu cơ quan quản lý làm tốt công tác thanh - kiểm tra thường xuyên, nắm vững địa bàn, xử lý rốt ráo hành vi sai phạm đơn lẻ một cách nghiêm túc, ngay từ đầu, đủ mức răn đe; ngăn chặn sự tái diễn thì khó có chuyện xảy ra sai phạm trên diện rộng, hình thành ý thức sống chung với sự sai hay thỏa hiệp với chúng.
Phân tích hiện tượng, đón đầu xu hướng, trào lưu để có được giải pháp quản lý hiệu quả, xử lý sai phạm một cách nghiêm túc là trách nhiệm của nhà quản lý. Ủng hộ giải pháp đúng, tránh xa sự sai và lên tiếng chống lại nó là trách nhiệm của cộng đồng. Xã hội sẽ đỡ cảnh trái tai gai mắt nếu mỗi người có thái độ ứng xử đúng đắn, rõ trách nhiệm với phần việc được giao và rõ ý thức tự chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.