Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể để tình trạng độc quyền!

Hà Phạm| 24/11/2015 09:02

(HNM) - Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, mới đây, Bộ GTVT đã đưa ra Dự thảo Quyết định ban hành kế hoạch triển khai về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách (VTHK) theo hợp đồng.


Theo Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh, Dự thảo trên của Bộ GTVT có nội dung không phù hợp, không đầy đủ với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19-10-2015 của Thủ tướng Chính phủ tại Điểm 1 nêu: “Đồng ý Bộ GTVT thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối VTHK theo hợp đồng đối với tất cả các doanh nghiệp VTHK bằng xe ô tô” chứ không giao riêng cho một doanh nghiệp cụ thể nào. Tuy nhiên, tại Dự thảo của Bộ GTVT tại Điều 1 lại ghi “Việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối VTHK theo hợp đồng (Grabcar)” và Điều 3 ghi “Công ty TNHH Grab taxi” là không có căn cứ, không đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo chưa đề cập đến việc sửa đổi bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nêu tại Điểm 3 văn bản số 1850/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động của “GrabCar” và “Uber taxi” liên tục vi phạm và bị Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xử phạt.


Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho rằng, Công ty TNHH Grab taxi không đủ điều kiện để tham gia thí điểm, bởi công ty này chỉ mới có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ chưa có Giấy phép kinh doanh VTHK theo hợp đồng hoặc vận tải bằng taxi theo đúng quy định; GrabCar càng không đủ điều kiện để thực hiện thí điểm.

Liên quan đến hoạt động của Uber và Grab taxi, Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh vừa có đơn kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấm Công ty Uber và Grab taxi kinh doanh vận tải “taxi trá hình”. Cụ thể, Công ty Uber Hà Lan, Uber Việt Nam là đơn vị kinh doanh về công nghệ, cung cấp dịch vụ tư vấn quản lý chung, dịch vụ tư vấn quản lý tiếp thị, dịch vụ nghiên cứu thị trường, không được cấp phép kinh doanh vận tải và VTHK bằng taxi tại Việt Nam. Còn Công ty Grab taxi có đăng ký kinh doanh VTHK tại TP Hồ Chí Minh tháng 2-2014. Từ đó đến nay, ngoài việc hoạt động taxi theo giấy phép kinh doanh thì Công ty này hoạt động VTHK dưới dạng “taxi trá hình”. Hai đơn vị này không lắp đặt bảng hiệu taxi, không có phù hiệu, không lắp đồng hồ tính cước, không kê khai giá cước, không lắp thiết bị giám sát hành trình, không ký hợp đồng và đóng bảo hiểm cho người lái xe…

Luật sư Thái Văn Chung, Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho hay, Công ty Uber và Grap taxi chưa được phép vận chuyển hành khách bằng taxi theo quy định nhưng lại tận dụng xe nhàn rỗi của các cá nhân, tổ chức để hoạt động “taxi trá hình”, chưa kể, bị Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh xử phạt hàng trăm trường hợp thời gian qua; đồng thời, áp dụng các “chiêu trò” như khuyến mãi “siêu giảm giá”, “siêu rẻ”, “trợ giá” cho lái xe và chủ xe, chi hoa hồng lái xe, chủ xe và người giới thiệu… là hành vi cạnh tranh không lạnh mạnh, đẩy các doanh nghiệp taxi chính thống hoạt động kinh doanh đúng pháp luật mất dần thị phần và cuối cùng phá sản.

Hiệp hội taxi TP Đà Nẵng khẳng định, việc ứng dụng khoa học công nghệ, cụ thể là kết nối hoạt động vận tải bằng internet ( App và Smatphon ) đã có nhiều doanh nghiệp vận tải trong nước đang triển khai thử nghiệm và có những kết quả rất tích cực bước đầu là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh… Đây là những công ty có đủ điều kiện để thực hiện thí điểm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ trì phải là Bộ GTVT.

Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ GTVT là các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có Giấy phép kinh doanh VTHK theo hợp đồng, kể cả các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi chính thống đang hoạt động phải được tham gia thực hiện thí điểm. Cụ thể, kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, thành phố (TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Quảng Ninh) thì Bộ GTVT cần cho phép ít nhất 5 doanh nghiệp được đăng ký triển khai phần mềm ứng dụng khoa học công nghệ để tránh độc quyền.

Theo Hiệp hội taxi TP Hà Nội, riêng tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ cho phép tối đa 1.000 xe ô tô dưới 9 chỗ ngồi thực hiện thí điểm nhằm bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp, lái xe, chủ xe, đặc biệt quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách. Nếu có nhiều doanh nghiệp đăng ký thực hiện thí điểm cũng không giao cho các doanh nghiệp mà phải là Bộ GTVT chủ trì. 

Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP tiến hành lập biên bản xử phạt đối với 129 trường hợp vi phạm của xe “Uber taxi” và “Grab taxi” trên địa bàn TP, với số tiền thu được hơn 430 triệu đồng. Trong đó, tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 34 trường hợp. Các lỗi vi phạm chủ yếu như: Kinh doanh VTHK không có giấy phép theo quy định, không có phù hiệu, hợp đồng vận tải, danh sách hành khách…
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thể để tình trạng độc quyền!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.