(HNM) - Nhằm bảo đảm tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang đẩy mạnh giám sát việc triển khai ở các bộ, ngành.
Qua giám sát Đề án "Tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" mới đây cho thấy, sau hơn một năm triển khai, đời sống của một bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Chưa rõ trách nhiệm kết nối
Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,49%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (là 3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013. Song vấn đề khá lo ngại đang đặt ra là, mặc dù đóng vai trò chủ đạo trong đầu tư và phát triển thị trường, các mô hình liên doanh, liên kết nhưng doanh nghiệp vẫn thường thông qua thương lái thu gom nông sản mà chưa quan tâm nhiều đến phát triển liên kết trực tiếp với nông dân. Tình trạng "đứt đoạn" giữa sản xuất của nông dân và hoạt động của doanh nghiệp là nguyên nhân chính gây ra các "điểm nghẽn" trong đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Sự liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp hiện phụ thuộc nhiều vào thương lái. Ảnh: Thái Hiền |
Trong khi đó, về bản chất, nếu có hợp đồng tiêu thụ nông sản trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ có lợi cho cả hai bên. Đánh giá về hiện trạng mối liên hệ giữa nông dân và doanh nghiệp hiện nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định, trách nhiệm kết nối của Bộ NN&PTNT rất quan trọng. Đại biểu Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, vướng nhất là cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực này đưa ra chưa sát, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. Thậm chí có những chính sách đưa ra một cách "ngớ ngẩn", điển hình như bán thịt trong 8 tiếng sau khi giết mổ…
Quan trọng là thương hiệu
Giải thích về việc doanh nghiệp không trực tiếp liên kết với nông dân mà phải thông qua thương lái, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, không chỉ bây giờ mà nhiều năm nay, việc kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp là một trong những khâu quan trọng được Bộ xác định cần tập trung thực hiện trong quá trình tái cơ cấu ngành. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là khó có doanh nghiệp nào có thể liên kết với hàng nghìn, hàng vạn hộ nông dân mà chỉ có thể liên kết với các tổ chức đại diện cho người nông dân. Do đó, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ hình thành các tổ chức đại diện cho người nông dân liên kết với doanh nghiệp.
"Nông dân rất cố gắng, năng suất nhiều nơi cao nhưng cung ứng đầu vào, chất lượng, phân phối và tiêu thụ chưa theo kịp nhu cầu nên giá trị trong chuỗi kinh doanh còn thấp. Vai trò của doanh nghiệp vì thế hết sức quan trọng. Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp cùng Bộ KH-CN đề xuất và bổ sung các chính sách mới khuyến khích mạnh mẽ hơn sự tham gia của doanh nghiệp vào nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đầu tư nhiều hơn, sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp chính là tạo điều kiện cho nền nông nghiệp gắn kết với thị trường chặt chẽ hơn" - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, công tác dự báo thị trường cần được làm tốt hơn. Sản xuất gạo là thế mạnh nhưng chưa thể có thương hiệu gạo Việt Nam khi có tới 70 loại giống lúa đang được canh tác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã làm việc với các nhà khoa học để nghiên cứu những giống lúa xuất khẩu hiệu quả, sử dụng ổn định khoảng 10 năm trở lên; đồng thời quy hoạch cánh đồng mẫu lớn, qua đó mới xây dựng được thương hiệu. Năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai kế hoạch này. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo xây dựng chiến lược, quy hoạch hầu hết các lĩnh vực đến năm 2020; từng cây, con đều có quy hoạch và đang lần lượt được rà soát lại. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, đất đai giao cho người dân, nên quy hoạch chỉ mang tính chất định hướng và khuyến cáo.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch: Khó khăn của ngành nông nghiệp có thể khắc phục khi tập trung sâu những chính sách để gia tăng giá trị nông sản, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay. Phương thức, định hướng sản xuất cần có những đổi mới và chuyển hướng để tránh tình trạng "được mùa mất giá", "cung vượt hơn cầu" sẽ giúp bà con cân nhắc những lợi ích nông nghiệp có thể đem lại và tự nguyện thực hiện quy hoạch đã đề ra. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.