Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thể cứ "đến hẹn" lại… tăng!

Đỗ Tâm| 20/08/2012 07:22

(HNM) - Cuối cùng thì đúng như những lời đồn đoán rộ lên từ cuối tuần trước, kể từ 17 giờ ngày 13-8, giá xăng đã tăng thêm 1.100 đồng/lít, giá các mặt hàng dầu cũng tăng thêm từ 500-800 đồng/lít, kg.


Giá xăng dầu luôn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống. Ảnh: Như Ý

Đây là lần thứ hai xăng dầu tăng giá khá cao trong tháng 8 (ở lần tăng giá ngày 1-8, giá xăng RON 92 đã có mức tăng 900 đồng/lít, giá các loại dầu tăng 500 đồng/lít). Người ta đã thống kê, từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng bán lẻ đã có 10 lần điều chỉnh giá với 5 lần tăng (tổng cộng 5.400 đồng/lít) và 5 lần giảm (tổng cộng 3.200 đồng/lít). Việc DN kinh doanh xăng dầu liên tục đề xuất tăng giá bán, mức tăng luôn cao hơn mức giảm và cũng luôn được cơ quan quản lý chấp thuận buộc người tiêu dùng phải đặt ra câu hỏi, DN hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu đang ngày càng tỏ ra độc quyền hơn hay chính sách của Nhà nước đang bị các DN này lợi dụng? Những tác động bất lợi của việc tăng giá xăng dầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN ngoài ngành và quyền lợi của người tiêu dùng, liệu có được các cơ quản lý và DN kinh doanh xăng dầu tính đến? Lâu nay cơ quan chức năng vẫn khẳng định giá xăng dầu được điều hành theo giá thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước. Nhưng phải thấy rằng, bản thân DN kinh doanh xăng dầu đâu có hoạt động theo cơ chế thị trường. Chúng ta chỉ nói điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng để thực thi phải có công cụ, chính sách, biện pháp…, mà cái đó thì lại đang thiếu. Hoặc như chỉ nói lấy giá cơ sở là 30 ngày, đó là yêu cầu thời gian dự trữ lưu thông xăng dầu tại các doanh nghiệp, nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng, nhưng đó chỉ là quy định hành chính và chủ quan, không có cơ sở bởi giá xăng dầu thế giới lên xuống đâu phải 30 ngày, làm sao dự báo chính xác được mà quy định 30 ngày? Mặc dù mức tăng chỉ là 1.100 đồng/lít xăng so với mức đăng ký tăng phổ biến lên tới 1.400 đồng/lít, song đây được coi là "thắng lợi" của DN kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, đại bộ phận người tiêu dùng vẫn kỳ vọng vào sự nghiêm túc, minh bạch của DN. Chưa kể, việc tăng giá xăng dầu khiến cho đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN ngoài hệ thống xăng dầu vốn đang bấp bênh lại càng khó khăn hơn. Tới đây, người ta đã dự báo một thực tế không mấy sáng sủa là giá cước vận tải, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng, hoạt động của các ngành công nghiệp sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng… đã và sẽ bị thêm những ảnh hưởng tiêu cực lớn.

Đang có một thực tế đáng buồn là hiện nay, việc tăng giá xăng dầu đã không còn được người tiêu dùng quá quan tâm như trước nữa. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn bức xúc cho rằng, tăng giá xăng dầu ở mức độ nào, thời điểm nào rất cần phải cân nhắc, tính toán kỹ để hài hòa lợi ích của các bên, nhất là bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, đặc biệt trong tình hình sức mua xã hội đang tụt giảm mạnh. Giá xăng dầu tăng hay giảm có ảnh hưởng đến tất cả các ngành kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống dân sinh. Chính vì thế, người tiêu dùng càng thất vọng hơn khi trước đó chưa lâu, lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết sẽ giới hạn mức tăng trong từng lần điều chỉnh, vừa để DN không thể tùy tiện tăng giá bất hợp lý, vừa bảo đảm tính kiểm soát tăng giá của Nhà nước. Người ta có quyền hoài nghi rằng, từ lời nói đến việc làm (đối với DN) vẫn còn khoảng cách, cái uy của cơ quan quản lý đang lu mờ dần và cuối cùng là người tiêu dùng vẫn luôn phải gánh phần thiệt thòi bởi không được bảo vệ một cách thiết thực.

Đã đến lúc chúng ta phải xem xét một cách nghiêm túc và toàn diện về việc quản lý thị trường xăng dầu Việt Nam nói chung và bán lẻ xăng dầu nói riêng. Việc này không chỉ thuộc về một cơ quan chức năng, bộ, ngành chủ quản hay ý kiến của dư luận được. Vẫn phải nói lại là, về định hướng, Chính phủ cần điều hành giá xăng dầu linh hoạt hơn, trong đó, việc tăng giảm giá bán lẻ, thuế và chính sách bù lỗ được thực hiện một cách linh hoạt với đối tượng bị chi phối chính là các DN xăng dầu đầu mối.

Đối với các DN bán lẻ thì nên yêu cầu các DN đầu mối bảo đảm một mức thù lao hợp lý, ít nhất là đủ cho việc duy trì kinh doanh bình thường, để họ có thể yên tâm trong việc phục vụ nhu cầu xăng dầu cho người dân. Một khía cạnh không thể xem nhẹ là, dù chính sách thế nào, việc điều hành ra sao, quyền lợi của người tiêu dùng vẫn không thể bị xem nhẹ. Không thể để tình trạng "đến hẹn" lại… tăng giá, gây bức xúc trong dư luận xã hội!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không thể cứ "đến hẹn" lại… tăng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.