Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không thay đổi khó tránh ''trắng tay''

Minh An| 07/08/2021 06:41

(HNMCT) - 5 năm trước, khi Hoàng Xuân Vinh giành 1 HCV, 1 HCB tại Olympic Rio 2016, nhiều chuyên gia thể thao đã nhận định rằng điều đó không có nghĩa là đến kỳ Olympic tiếp theo, thể thao Việt Nam sẽ lặp lại thành tích này. Và thực tế là chúng ta đã “trắng tay” tại Olympic Tokyo 2020. Nguyên nhân được cho là sự phát triển thiếu bền vững của thể thao thành tích cao Việt Nam - liên quan tới nguồn lực đầu tư và cả yếu tố con người.

Đô cử Hoàng Thị Duyên không đạt phong độ cao tại Olympic Tokyo 2020.

Khó tranh chấp huy chương

Trước thềm Olympic Tokyo 2020, do nhiều nguyên nhân, ngành Thể thao không đặt mục tiêu giành huy chương cho các đội tuyển dù nhiều người “thầm hy vọng” vào cử tạ và bắn súng.

Bắn súng, cử tạ là hai môn thể thao đã góp huy chương cho thể thao Việt Nam trong 3 kỳ Olympic từ năm 2008 tới năm 2016. Ngoài hai môn này, từ năm 2008 đến nay không môn nào bộc lộ khả năng tranh chấp huy chương Olympic. Tuy nhiên, bản thân hai môn này cũng có vấn đề về lực lượng để tranh chấp huy chương tại Olympic 2020.

Nếu như bắn súng từ nhiều năm qua vẫn chỉ trông đợi vào Hoàng Xuân Vinh và phần nào là Trần Quốc Cường (nội dung súng ngắn hơi) thì cử tạ cũng có ít lựa chọn tại Olympic. Chúng ta “chỉ có” Vương Thị Huyền ở hạng 49kg nữ, Hoàng Thị Duyên hạng 59kg nữ, hạng 61kg nam có Thạch Kim Tuấn và phần nào là á quân ASIAD 2018 Trịnh Văn Vinh (đang bị cấm thi đấu vì dương tính với chất cấm khi luyện tập).

Dù đã được định hướng tranh chấp huy chương Olympic 2020 từ 2 - 3 năm nay nhưng cách Olympic Tokyo gần 4 tháng, những lực sĩ trọng điểm như Hoàng Thị Duyên, Thạch Kim Tuấn đều không có điều kiện tập luyện, dinh dưỡng tốt nhất do thực hiện cách ly tập trung. Trong khi đó, tấm vé mời dự Olympic Tokyo 2020 đến với bắn súng Việt Nam chỉ hơn 1 tháng trước lễ khai mạc. Tấm vé được trao cho Hoàng Xuân Vinh, người trước đó đã không tập luyện ở cường độ cao nhất.

Nói vậy để thấy rằng cơ hội tranh chấp huy chương tại Olympic Tokyo 2020 của thể thao Việt Nam thấp đến thế nào.

Đầu tư kém - khó có quả ngọt

Tại Olympic Tokyo 2020, nếu nhìn sang một số nước Đông Nam Á khác, thể thao Việt Nam không tránh khỏi chạnh lòng. Thái Lan, Philippines có HCV từ rất sớm - đều ở những môn/ nội dung có sự tham gia của VĐV Việt Nam. Indonesia thi đấu không tệ. Nhưng để có được thành tích ấy, không thể không kể đến sự đầu tư cho các VĐV. Nhà vô địch môn taekwondo Panipak Wongpattanakit (Thái Lan) được tạo mọi điều kiện để thi đấu, tập huấn quốc tế và được huấn luyện bởi chuyên gia hàng đầu thế giới người Hàn Quốc Che Yong-seok. Hay như nhà vô địch cử tạ hạng 53kg nữ người Philippines Hidilyn Diaz từng giành HCB tại Olympic 2016. Để có thể giành HCV tại Olympic 2020, cô đã được huấn luyện bởi một HLV từng có học trò giành HCV Olympic là Gao Kaiwen (Trung Quốc).

Ông Đỗ Đình Kháng, Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam kể rằng, hơn 2 năm trước khi sang Quảng Tây (Trung Quốc), ông đã biết rằng nữ lực sĩ Hidilyn Diaz tập huấn dài hạn tại Trung Quốc và một số nước khác với đội ngũ huấn luyện có tới 4 HLV. Ngay trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, Hidilyn Diaz cũng được tạo điều kiện tập huấn thường xuyên ở nước ngoài. Hiểu theo cách khác, Hidilyn Diaz đã được đầu tư dài hơi để giành HCV Olympic.

Trong khi đó, từ nhiều năm nay, cử tạ Việt Nam vẫn chỉ trông vào nguồn kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế khoảng 60.000 USD/năm từ ngành Thể thao; Liên đoàn Cử tạ - Thể hình Việt Nam cũng không thể hỗ trợ tốt cho VĐV vì khả năng thu hút tài trợ còn hạn chế. Việc “ăn đong” khiến cử tạ Việt Nam không thể tính xa và chưa bao giờ nghĩ tới việc đầu tư dài hạn cho một đô cử trọng điểm như với trường hợp kình ngư Ánh Viên được tập huấn dài hạn tại Mỹ. Trong khi đó, bắn súng thì khá hơn ở khoản đầu tư kinh phí tập huấn, thi đấu quốc tế, nhưng cũng không thấm vào đâu so với các nền bắn súng hàng đầu châu lục.

Vì thế, như nhiều chuyên gia thể thao, trong đó có nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục TDTT) Nguyễn Hồng Minh từng đề cập, nếu muốn có thành tích ổn định tại Olympic, chúng ta sẽ phải nâng mức đầu tư gấp nhiều lần so với hiện nay, bằng nhiều nguồn kinh phí chứ không thể trông hoàn toàn vào nguồn kinh phí của ngành Thể thao.

Ngoài ra, việc tìm nguồn VĐV đủ dày dặn ở những nội dung trọng điểm và cả những nội dung khác thuộc những môn có thể tranh chấp huy chương Olympic như bắn súng, cử tạ... cũng cần được chú trọng. Vấn đề phụ thuộc vào định hướng của ngành Thể thao, bởi nếu không có chiến lược bài bản, dài hơi dựa trên nguồn kinh phí ổn định thì sẽ rất khó để thể thao Việt Nam tranh chấp huy chương tại các kỳ Olympic.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không thay đổi khó tránh ''trắng tay''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.