Bộ Quốc phòng Nga thông báo, ngày 23-7, các máy bay của Nga và Trung Quốc đã lần đầu tiên tiến hành tuần tra tầm xa chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Truyền thông Nga dẫn thông cáo chính thức của Bộ Quốc phòng nước này tuyên bố cuộc tuần tra tầm xa chung tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương giữa Nga và Trung Quốc "không nhằm vào bất kỳ quốc gia thứ ba nào".
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cùng ngày Hàn Quốc cáo buộc các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc đã vi phạm không phận quốc gia Đông Bắc Á này.
Các chiến đấu cơ Hàn Quốc đã bắn 360 phát đạn cảnh cáo về phía một máy bay quân sự Nga sau khi tốp chiến đấu cơ này hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc sáng 23-7. Hãng tin CNN dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay một máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Nga trong sáng 23-7 đã hai lần đi vào trái phép vùng không phận của nước này ở vùng ngoài khơi bờ biển phía Đông của Hàn Quốc.
Giới chức Seoul cho rằng vụ vi phạm xảy ra trong lúc Nga và Trung Quốc đang tổ chức tập trận chung. Trước đó cùng ngày, hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc cũng bay vào Vùng nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) lần lượt vào 6h44 và 7h49. Sau đó, chúng đã hợp nhất với hai máy bay ném bom TU-95 Nga. Bốn chiếc máy bay cùng đi vào KADIZ lúc 8h40 và hoạt động tại đây trong 24 phút.
Trước đó, phía Seoul cho biết máy bay quân sự A-50 của Nga đã bay phía trên quần đảo đang tranh chấp chủ quyền giữa Seoul và Tokyo trên biển Nhật Bản.
Lần vi phạm đầu tiên xảy ra lúc 9h09 theo giờ địa phương. Lần thứ hai xảy ra lúc 9h33. Mỗi lần khoảng 2 – 3 phút.
Sau khoảng 30 lần phát tín hiệu cảnh báo nhưng không nhận được phản hồi từ máy bay Nga, Không quân Hàn Quốc đã lệnh cho các tiêm kích cơ F-15F và KF-16 xuất kích để bay cảnh giới và sau đó bắn 360 phát đạn cảnh cáo về phía máy bay Nga bằng súng máy cỡ nòng 20 mm. Cụ thể, máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã bắn 80 phát đạn (cùng 10 quả đạn mồi bẫy) trong lần vi phạm thứ nhất và 280 phát đạn (cùng 10 đạn mồi bẫy) trong lần xâm phạm thứ hai...
Ông Chung Eui-yong, Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia Hàn Quốc cho biết, ông đã gửi thông điệp “mạnh mẽ” đến giới chức Nga liên quan đến sự vụ trên. “Chúng tôi đánh giá tình huống này rất nghiêm trọng và nếu hành động như vậy lặp lại, chúng tôi sẽ đưa ra biện pháp mạnh hơn”, ông Chung nói thêm, song không nêu rõ những biện pháp này có thể là gì.
Ông Carl Schuster, cựu chỉ huy chiến dịch tại Trung tâm Tình báo hỗn hợp của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương cho biết, việc bắn cảnh báo trên không là “rất rất nghiêm trọng” và “rất rất hiếm gặp”. Ông Schuster đánh giá quyết định khai hỏa của Seoul cho thấy nước này nhìn nhận vụ xâm phạm trên là nghiêm trọng cũng như một hành động chủ ý. Tuy nhiên, ông không thể lý giải vì sao máy bay Nga lại quay trở lại sau loạt đạn cảnh cáo đầu tiên.
Vùng KADIZ được xác định lần đầu vào năm 1950 và mới được điều chỉnh lại năm 2013. Mặc dù khu vực Đông Á là nơi có nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ lâu năm, nhưng giữa Nga và Hàn Quốc hiếm khi xảy ra xung đột.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu Nga và Hàn Quốc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G-20) tại Osaka hồi tháng 6 đã ca ngợi quan hệ song phương nồng ấm giữa hai nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Hàn Quốc chính là “một trong các đối tác chính” của Nga tại châu Á.
Trong khi đó, ngày 23-7, Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ cáo buộc của phía Hàn Quốc. Theo phía Nga, các máy bay tiêm kích F-16 của Hàn Quốc hành động không chuyên nghiệp bên cạnh các máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga thực hiện chuyến bay theo kế hoạch trên không phận trung lập tại vùng biển Nhật Bản.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: "Chuyến bay theo kế hoạch của 2 máy bay TU-95MS diễn ra ngày 23-7 trên không phận trung lập tại vùng biển Nhật Bản. Theo dữ liệu giám sát khách quan, hành trình của 2 chiếc TU-95MS tuân thủ đúng kế hoạch phù hợp với các quy định của quốc tế và không vi phạm không phận Hàn Quốc".
Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm, 2 máy bay tiêm kích F-16 của Hàn Quốc đã tiếp cận các máy bay Nga và thực hiện các động tác thiếu chuyên nghiệp, cắt ngang đường bay của 2 máy bay Nga và đe dọa an toàn cho các máy bay Nga. Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ các phi công Hàn Quốc không liên lạc với các phi công Nga và sau đó đã nổ súng cảnh cáo về phía các máy bay Nga.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, các máy bay tiêm kích Hàn Quốc đã nhiều lần tìm cách quấy rối các máy bay Nga nhưng không thành công với cái cớ vi phạm Vùng nhận diện phòng không do phía Hàn Quốc tự ý thiết lập. Các khu vực như vậy không có trong quy định quốc tế, vì vậy Liên bang Nga không thừa nhận và đã nhiều lần thông báo cho phía Hàn Quốc về điều này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.