Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phôi pha một thời sôi nổi...

Dương Linh| 30/07/2022 06:38

(HNM) - Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi từ Thủ đô Hà Nội đã hăng hái lên đường ra trận chống Mỹ cứu nước. Năm tháng lấy đi trí nhớ, sức khỏe, đưa nhiều đồng đội về nơi yên nghỉ vĩnh hằng, người ở lại nay cũng đã qua thất thập, song ký ức về những tháng ngày tuổi trẻ sôi nổi, say mê vẫn không phôi pha.

Các cựu thanh niên xung phong Thủ đô thăm Tượng đài Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tại tỉnh Quảng Bình.

Thanh xuân dưới mưa bom, bão đạn

Những người đã trải qua dặm dài hành quân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước sẽ không thể quên hình ảnh của đội ngũ thanh niên xung phong san đường, xẻ núi, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy trên các trận địa. Góp mặt trong đoàn quân tình nguyện ra chiến trường năm 1965 có cô gái Dương Thị Vịn (quận Hai Bà Trưng). Cô gái khi ấy mới tròn 22 tuổi, chia tay gia đình, nhận nhiệm vụ cùng 1.500 thanh niên, tham gia Đội N43 - thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước đầu tiên của Thủ đô Hà Nội.

“Anh chị em trong Đội N43 của chúng tôi đa số còn rất trẻ, mới rời ghế nhà trường, người vừa được gọi đi học nước ngoài, người mới kết hôn, tất cả đều xung phong lên đường. Những ngày ấy, không khí rất sôi động, ai ở lứa tuổi thanh niên cũng mong ước được ra chiến trường để góp sức mình cho đất nước. Bom đạn không khuất phục được ý chí, tinh thần của thế hệ thanh niên lúc ấy. Chúng tôi ngày đêm mở đường, san lấp hố bom cho các đoàn quân tiến ra chiến trường, với khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm...”, bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố Hà Nội bồi hồi nhớ lại.

Năm 1972, nhận được giấy báo đi thanh niên xung phong, trong lòng chàng trai Cấn Xuân Bình (huyện Thạch Thất) không khỏi háo hức. “Năm ấy, tôi tròn 18 tuổi. Địa phương cấp cho gia đình 3kg thịt lợn, 1/4 lít nước mắm, nửa lạng mì chính để tổ chức liên hoan. Sau đó, chúng tôi lên đường, di chuyển vào Tây Quảng Bình, giáp Lào. Để dồn lực cho cuộc chiến cuối cùng giải phóng miền Nam, chúng tôi tham gia mở đường, bắc cầu trên tuyến phía Đông Trường Sơn, từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Nam - Đà Nẵng…”, ông Cấn Xuân Bình, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thạch Thất kể lại.

Cũng những năm tháng đó, chàng thanh niên Nguyễn Văn Điểm (quận Hà Đông) xung phong ra chiến trường khi mới 22 tuổi. Nhớ lại những ngày ấy, ông Điểm kể: “500 thanh niên chúng tôi lên đường chi viện cho miền Nam. Chiến tranh rất ác liệt, nhưng tất cả vì tiền tuyến, vì miền Nam ruột thịt nên chúng tôi ai cũng hăng hái lên đường. Chúng tôi được bố trí ở Trung đoàn 98, làm nhiệm vụ mở đường cho chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Đến từ nhiều địa phương khác nhau, ở tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, thanh niên xung phong Hà Nội đã vượt qua mọi gian khổ, thiếu thốn và hiểm nguy. Họ luôn có mặt kịp thời trên nhiều trọng điểm ác liệt, cùng các lực lượng xẻ núi, mở đường, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Ông Cấn Xuân Bình xúc động thuật lại: “Chúng tôi chưa một ngày được huấn luyện, nay phải làm quen với tiếng máy bay địch, với những con đường bị bom cày nát. Nơi đây cỏ cây không mọc nổi bởi Mỹ rải chất độc hóa học. Nhưng bằng sự quyết tâm vượt qua khó khăn, đỉnh đèo A Đớt, A Tép dần được chinh phục. Những đoạn đường hẹp được mở rộng, đón các đoàn xe ra tiền tuyến...”.

“Thời gian đó, không chỉ thường trực mối nguy hiểm từ máy bay địch, bom đạn giăng mắc khắp nơi, mà khổ cực không kém là chúng tôi hầu như đều mắc bệnh sốt rét. Có đồng đội của tôi không qua khỏi vì sốt rét, nhưng không ai bỏ cuộc. Mặc dù chiến tranh khốc liệt, nhưng khắp các trận địa, thanh niên xung phong chúng tôi vẫn ngời ngời khí thế. Khi đi được Tỉnh ủy Hà Tây giao lá cờ “Thanh niên Hà Tây ra đi là chiến thắng” và chúng tôi đã cắm lá cờ đó trên đỉnh Trường Sơn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông Nguyễn Văn Điểm hào hứng kể.

Trong kháng chiến, Đội thanh niên xung phong N43 đã góp phần mở 50km đường chiến lược. Đội đã có 250 cán bộ, đội viên thanh niên xung phong gia nhập lực lượng vũ trang; hơn 1.000 cán bộ, đội viên được kết nạp Đoàn, trên 300 người được kết nạp Đảng. “Ba nhiệm vụ Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn giao cho, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc. Đó là nhiệm vụ mở đường, sản xuất, chiến đấu. Nhưng cũng đã có 46 đồng đội nằm lại chiến trường, để lại những niềm thương, nỗi nhớ…”, bà Dương Thị Vịn nghẹn lời.

Không ít người đã ngã xuống và tên các anh, các chị trở thành bất tử. Họ, những thanh niên xung phong Thủ đô đã góp phần làm nên một biểu tượng sáng ngời trong cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc Việt Nam. Máu và xương của hơn 200 liệt sĩ thanh niên xung phong Thủ đô đã đổ xuống, viết nên bản hùng ca trên những cung đường Trường Sơn huyền thoại.

Viết tiếp niềm tự hào

Trong thời chiến, thanh niên xung phong Hà Nội luôn có mặt ở những nơi ác liệt nhất phục vụ chiến đấu, thì trong thời bình, họ cũng luôn là những người đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước. Dù tuổi đã cao, họ vẫn giữ liên lạc, thăm hỏi nhau, người khá giả giúp đỡ người khó khăn. Đó không chỉ là tình đồng đội, đồng chí, mà còn là tình anh em nghĩa nặng không gì có thể đong đếm được.

Sau 3 năm tham gia thanh niên xung phong, ông Cấn Văn Bình trở về địa phương, xây dựng gia đình. Ông tích cực tham gia công tác xã hội, mở xưởng gỗ, tạo việc làm cho nhiều cựu thanh niên xung phong ở địa phương. Sau 6 năm làm Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện Thạch Thất, năm 2019, được sự tín nhiệm của đồng đội, ông Bình được bầu làm Chủ tịch Hội. Hằng năm, có dịp ông lại tập hợp đồng đội, cùng nhau đến thăm các địa chỉ đỏ, ôn lại những kỷ niệm thời thanh xuân sôi nổi.

Còn ông Nguyễn Văn Điểm, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong quận Hà Đông vẫn luôn trăn trở với việc giúp đỡ những đồng đội. “So với nhiều đồng đội khác đã anh dũng hy sinh, tôi còn sống trở về là một may mắn lớn, nên phải có trách nhiệm tri ân với đồng đội, gia đình của anh, chị em thanh niên xung phong, nhất là với những hội viên cựu thanh niên xung phong còn khó khăn, neo đơn”, ông Điểm tâm sự.

Năm nay, bà Dương Thị Vịn bước vào tuổi 80. Sau những năm tháng tham gia công tác xã hội, làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, rồi về hưu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố nhiều năm liền, đến năm 2022 bà mới thực sự được nghỉ ngơi. Khi được hỏi về lời nhắn nhủ cho lớp trẻ, bà Vịn nói: “Tôi mong rằng thế hệ trẻ hôm nay và mai sau

tiếp nối được phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên xung phong năm xưa, “sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần”, phát huy tinh thần tình nguyện, sáng tạo, đóng góp “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn”.

… Những mảnh đất đã từng hứng chịu bom đạn của kẻ thù giờ đây đang đơm hoa kết trái, mang đến sự ấm no, bình yên. Những cung đường ghi dấu bước chân của cựu thanh niên xung phong Thủ đô ngày ấy giờ đã trải dài mát xanh. Thấm thoát đã gần 60 năm trôi qua, âm hưởng của một thời hào hùng, sôi nổi vẫn vang lên, nhắc nhở các cựu thanh niên xung phong cùng nhau sống đẹp, tiếp tục đóng góp cho Thủ đô, vun đắp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phôi pha một thời sôi nổi...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.