Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải “chuyện riêng” của ngành Giáo dục

Đỗ Quỳnh Chi| 16/06/2017 06:48

(HNM) - Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển giáo dục, đặc biệt là xây dựng mới cơ sở vật chất trường học theo hướng tiếp cận với sự hiện đại ngang bằng các nước trong khu vực...


Đầu tư lớn nhưng nghịch lý thiếu trường, lớp; lớp quá tải học sinh so với quy định vẫn kéo dài từ năm này qua năm khác và chưa có dấu hiệu giảm trong năm học 2017-2018 sắp tới. Vậy đâu là nguyên nhân của thực trạng trên?

Không khó để nhận thấy, sự gia tăng dân số mất kiểm soát được xem là nhân tố hàng đầu. Bởi trung bình mỗi năm, dân số Hà Nội tăng khoảng 200.000 người, trong đó hơn 1/3 là người di dân nhập cư. Trong khi quy định tại Khoản 4, Điều 19 Luật Thủ đô siết điều kiện đăng ký hộ khẩu khu vực nội thành, còn việc đăng ký tạm trú vẫn được thực hiện theo Luật Cư trú mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào, dẫn tới việc đăng ký tạm trú dài hạn (diện KT3) rất dễ dàng. Theo quy định, học sinh diện KT3 đương nhiên đủ điều kiện được học tại trường công lập trên địa bàn, nên quá tải quy mô trường, lớp là khó tránh khỏi.

Tình trạng di dân tự do lại bắt nguồn từ sự phát triển “nóng” các khu đô thị mới, chung cư ở hầu hết các quận. Vì thế, mới có chuyện, tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) - nơi có Khu đô thị Linh Đàm - chỉ trong vài năm dân số đã ở mức 6 vạn dân nhưng chỉ có 1 trường tiểu học; quận Cầu Giấy cần thêm tới 17 trường học mới tính đến năm 2020…

Rõ ràng, để giải quyết “tận gốc” vấn đề thiếu trường, lớp, phá vỡ quy mô học sinh/lớp, thời gian tới, không còn cách nào khác là thành phố cần làm quyết liệt, thực chất một số vấn đề. Trước hết là quy hoạch chung xây dựng Thủ đô cũng chỉ ra, quỹ đất của các khu - cụm công nghiệp, trụ sở cơ quan… thuộc diện phải di dời khỏi nội đô sẽ dành để xây dựng các trường phổ thông và mầm non. Không thể kéo dài tình trạng nhà máy, cơ quan chưa di dời xong nhưng thay vào đó là các cao ốc, thiếu hẳn hệ thống trường học hoặc nếu có thì đều là trường tư thục với mức học phí ngất ngưởng, không phù hợp với số đông.

Với các khu đô thị mới, thành phố cần giám sát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện nghiêm quy định dành quỹ đất phù hợp để xây dựng trường học, yêu cầu tiến độ xây trường song song với xây nhà. Làm sao sớm chấm dứt cảnh người dân đến ở rồi nhưng con trẻ vẫn chưa có chỗ học, lại phải đưa đi nơi khác, vừa phiền toái, vừa tạo thêm áp lực cho nơi khác. Nếu chủ đầu tư không triển khai được dự án trường học thì cần kêu gọi xã hội hóa (với tiêu chuẩn học phí không cao hơn 2 lần trường công lập) hoặc thành phố thu hồi đất để đầu tư xây dựng trường công, chứ không được thay đổi, điều chỉnh mục đích sử dụng đất.

Ngoài trách nhiệm chung của thành phố, các sở, ngành; cần xem sự phát triển của hệ thống mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn là căn cứ đánh giá thi đua hằng năm đối với các địa phương. Bởi chỉ nơi nào coi phát triển giáo dục là nhiệm vụ chung, không phải “việc riêng” của ngành Giáo dục và Đào tạo thì câu chuyện thiếu trường, thiếu lớp mới có thể “hạ nhiệt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không phải “chuyện riêng” của ngành Giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.