(HNMCT) - Ngày cuối tuần vừa qua, tại Hà Nội diễn ra Giải chạy VPBank Hanoi Marathon ASEAN 2020, một hoạt động thể thao mang tính quốc tế và nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng năm Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN.
Không chỉ có vậy, giải chạy này bao gồm các cự ly thi đấu 42km, 21km, 10km, 5km với đường chạy xuyên qua nhiều di sản đáng giá của Thủ đô, có ý nghĩa quảng bá hình ảnh một Hà Nội - Việt Nam với vẻ đẹp quyến rũ, năng động, trách nhiệm, an toàn. Giải chạy đã diễn ra thành công, có sự tham gia của hàng nghìn vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên.
Có một điểm đáng quan tâm là ngoài ý nghĩa, sự thành công về mặt chuyên môn, hiệu quả quảng bá hình ảnh Hà Nội - Việt Nam, có thể nhận ra sự tham gia của rất nhiều gia đình người Hà Nội, những chân chạy không chuyên đến từ nhiều địa phương khác. Cùng với những giải chạy bộ được tổ chức ngày càng thường xuyên hơn trong thời gian gần đây, sự hào hứng, tâm lý chờ đợi, sức lan tỏa hình ảnh về những gì diễn ra trong ngày 18-10 trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội cho thấy phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh mẽ ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung.
Những gì đã và đang diễn ra mang tới một nhận thức mới về trách nhiệm tổ chức và tham gia các hoạt động thể thao - cả các giải đấu mang tính chuyên nghiệp cũng như phong trào. Nhận thức đúng để bảo đảm các hoạt động đó mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ là quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, giới thiệu điểm đến nhằm thúc đẩy sự phát triển du lịch mà còn đạt mục tiêu rèn luyện thân thể, nâng cao sức khỏe của người dân.
Với các giải chạy bộ, sự hiểu biết, kỹ năng cần có của người tham gia là không thể thiếu, nhằm bảo đảm cho các hoạt động này thu được kết quả tích cực, tránh rủi ro. Tại nhiều giải chạy được tổ chức tại Việt Nam trong thời gian qua, dễ thấy nhiều vận động viên không chuyên chưa nhận thức đầy đủ về công tác chuẩn bị, kỹ năng cần có. Nhiều người không luyện tập, hoặc có luyện tập nhưng chưa đủ mức cần, tới ngày chạy lập tức “ném mình” vào cuộc đua đường trường. Nhiều người không nhận ra rằng với mỗi loại hình chạy bộ, người tham gia cần chuẩn bị loại giầy riêng, không nên tùy ý dùng loại giầy thời trang khi chạy marathon, không thể dùng giầy thể thao bình thường để tham gia một giải chạy địa hình hay hoạt động leo núi... Sự tùy tiện khiến cho mục tiêu rèn luyện sức khỏe đổ vỡ khi người chạy có thể bị chấn thương, mắc các bệnh về xương khớp. Đó là chưa kể những yêu cầu mang tính khác biệt khi tham gia các giải chạy ở vùng cao, nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Khi đó, yêu cầu không chỉ là một đôi giầy chạy phù hợp, sự luyện tập thường xuyên mà còn phải tính tới yêu cầu về trang phục, các thiết bị chuyên dụng và chế độ dinh dưỡng...
Không phải đơn giản mà các hãng sản xuất dụng cụ thể thao đưa ra thị trường rất nhiều mẫu trang phục, giầy thể thao và thiết bị, vật dụng chuyên biệt dù những thứ đó cùng dành cho một đối tượng: Người đam mê môn chạy bộ. Chúng ta đang thấy sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của các vận động viên không chuyên, các gia đình trẻ bao gồm trẻ em tại các giải chạy marathon. Bởi vậy, việc trang bị kỹ năng, nhận thức về sự cần thiết phải chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi cuộc chạy thật sự là điều quan trọng. Nên cân nhắc trước khi đưa ra quyết định tham gia cự ly dài hay ngắn, sử dụng loại áo, quần, giầy nào, có nên cho trẻ em dự giải khi chúng chưa sẵn sàng hay không...
Chạy marathon, chạy cự ly ngắn, chạy địa hình, leo núi... không chỉ là hoạt động thể thao - giải trí đơn thuần. Đó không phải câu chuyện xỏ giầy vào rồi chạy, check-in, chia sẻ kỷ niệm trên mạng xã hội, mà còn là “cuộc đua” về nhận thức, kỹ năng, trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng mà chỉ những ai nhận thức đầy đủ về trách nhiệm đó mới có thể đạt tới thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.