Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không phải bảo tồn là ”đóng băng”

Hoàng Thu Vân| 28/12/2013 03:44

(HNM) - Ngày 27-12, Viện Bảo tồn di tích (thuộc Bộ VH-TT&DL) tổ chức hội thảo

Lý do là "cơn lốc" đô thị hóa đã tạo nên những mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong việc bảo tồn các làng cổ, làng nghề truyền thống – một trong những giá trị truyền thống không thể thiếu của đất Thăng Long - Hà Nội. Ví dụ điển hình là các làng Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), Cự Đà (huyện Thanh Oai), Đông Ngạc (huyện Từ Liêm), Ngũ Xã (quận Ba Đình), Nghi Tàm (quận Tây Hồ)…

Có thể nói, xét về kiến trúc, cảnh quan hay giá trị văn hóa, tinh thần, các làng cổ, làng nghề truyền thống ở Hà Nội đều xứng đáng được bảo tồn. Tuy nhiên, theo thời gian, quá trình đô thị hóa với sự xuất hiện của hàng loạt khu dân cư mới, khu đô thị mới đã khiến không gian của các làng cổ, làng nghề ngày càng thu hẹp, thậm chí bị "nuốt chửng"; văn hóa, sinh hoạt truyền thống của cư dân cũng bị thay đổi, mai một và biến dạng. Quả thực, nếu không có một chiến lược đúng đắn cùng những giải pháp phù hợp trong bảo tồn và phát huy giá trị của các làng cổ trên địa bàn Thủ đô thì một ngày nào đó giá trị văn hóa truyền thống này chỉ tồn tại trong ký ức và sách vở. Vì vậy, dù là muộn nhưng hội thảo nêu trên rất cần thiết.

Với thế giới, để bảo tồn di sản (trong đó có các làng cổ, làng nghề truyền thống) thì sự phát triển bền vững chính là yếu tố bảo đảm cho sự tồn tại của di sản dựa trên ba trụ cột chính là bền vững về xã hội, bền vững về kinh tế và bền vững về môi trường. Cần chú ý rằng, bảo tồn không có nghĩa là "đóng băng" những gì sẵn có, mà là bảo tồn các yếu tố cốt lõi tạo nên giá trị riêng biệt của di sản trong sự phát triển hữu cơ của nó. Làng cổ, làng nghề truyền thống cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, từ trước tới nay, dường như chúng ta mới chỉ chú ý tới sự duy trì trạng thái của di sản. Cùng với đó, cuộc sống của cộng đồng dân cư trong không gian của di tích, di sản vốn là một phần quan trọng, tạo nên những đặc trưng riêng và bản sắc không thể thay thế của di tích, di sản cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc nâng cao chất lượng sống (văn hóa xã hội, môi trường và điều kiện sống, việc làm…) của con người trong khu vực di tích, di sản chưa được coi trọng. Nói cách khác, con người và những nhu cầu chính đáng của họ chưa được đặt vào vị trí trung tâm trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của các làng cổ, làng nghề truyền thống.

Đó chính là nguyên nhân căn bản dẫn đến xung đột trong công tác bảo tồn và xu hướng phát triển của các làng cổ, làng nghề truyền thống tại địa bàn Hà Nội đã được nhiều nhà nghiên cứu khoa học, quản lý văn hóa phân tích tại hội thảo. Cũng có không ít ý kiến nêu ra các giải pháp khắc phục hoặc gợi mở cho những cách thức giải quyết mối xung đột này. Cốt lõi của vấn đề là bảo tồn giá trị của di tích, di sản với không gian, công trình kiến trúc, cảnh quan… phải được tiến hành song song với việc bảo đảm đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của di tích phải gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách phù hợp và không được ảnh hưởng, cản trở cuộc sống thường nhật của người dân. Những nhu cầu chính đáng và hợp lý của người dân sống trong di tích, di sản cần phải được quan tâm giải quyết thỏa đáng… Có như vậy việc bảo tồn di tích, di sản mới có thể đồng hành cùng sự phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không phải bảo tồn là ”đóng băng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.