(HNM) – Chiều 19/6, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam. Một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là việc tổ chức hệ thống quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam.
Các đại biểu cơ bản tán thành với Chính phủ về sự cần thiết ban hành dự án Luật này bởi nó khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam trong thời gian qua. Dự luật cũng đồng thời phúc đáp yêu cầu cải cách tư pháp trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và có nhiều quy định mới, chặt chẽ.
Về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam, các đại biểu ủng hộ hướng quy định, ngoài việc hạn chế một số quyền con người, quyền công dân như quyền tự do đi lại, cư trú, quyền bầu cử, ứng cử.... thì các quyền khác của họ phải được bảo đảm, như quyền được sống, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, chăm sóc y tế, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được gặp luật sư, người bào chữa, người thân và một số quyền dân sự khác theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
“Tôi nhất trí những người bị tạm giữ, tạm giam phải bị cách ly và bị hạn chế quyền công dân và những hạn chế này đã có trong một số luật khác. Tuy nhiên, ngoài những quyền bị hạn chế, họ vẫn phải được thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác”, đại biểu Lê Đông Phong – TP. Hồ Chí Minh nói.
Một điểm còn nhiều ý kiến khác nhau là mô hình hệ thống các cơ quan quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam. Các đại biểu đều nhất trí, dự luật cần có biện pháp để đảm bảo tính minh bạch, khách quan và không bị tác động bởi cơ quan điều tra trong công tác giam giữ, tránh tình trạng điều tra viên bức cung, dùng nhục hình đối với người bị tạm giữ, tạm giam trong nhà tạm giữ, trại tạm giam và các hình thức khác vi phạm quyền của người bị tạm giữ, tạm giam xảy ra trong thời gian qua.
Tuy nhiên, việc tổ chức hệ thống quản lý nhà tạm giữ, trại tạm giam theo hướng như thế nào vẫn đang được các đại biểu bàn luận.
Nhiều đại biểu ủng hộ việc tổ chức theo ngành dọc do Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp thuộc Bộ Công an quản lý, nhưng cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên như hiện nay.
Đại biểu Đỗ Ngọc Niễn – Bình Thuận ủng hộ việc quy định theo hướng này vì như vậy thuận lợi cho việc thanh, kiểm tra, tạo sự độc lập với các cơ quan khác, tránh tình trạng cơ quan điều tra và cơ quan quản lý nhà tạm giữ, tạm giam chung một đầu mối.
Đại biểu Hồ Văn Năm – Đồng Nai cũng cho rằng, phải tổ chức hệ thống cơ quan quản lý nhà tạm giữ, tạm giam theo hệ thống dọc, vì mô hình hiện nay chỉ mang tính độc lập tương đối chứ chưa tuyệt đối. Ở cấp huyện, thủ trưởng cơ quan điều tra là trưởng Công an huyện, còn thủ trưởng cơ quan quản lý nhà tạm giữ, tạm giam là phó Công an huyện, nên nếu xét trên khía cạnh quản lý nhà nước, cấp phó vẫn phải tuân theo cấp trưởng.
Trong khi đó, các đại biểu Lưu Thị Huyền – Ninh Bình, Lê Đông Phong – TP. Hồ Chí Minh, Hồ Trọng Ngũ- Vĩnh Long, Phạm Xuân Thường – Thái Bình lại đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, bởi nếu có tách ra tổ chức quản lý theo ngành dọc thì không những Nhà nước phải đầu tư ngân sách lớn mà chưa chắc đã khắc phục được bất cập hiện nay. Điều quan trọng là phải tăng cường giáo dục đạo đức cho cán bộ điều tra để họ thực thi đúng pháp luật.
“Hiện Bộ Công an đã có hệ thống tổ chức quản lý trại tạm giữ, tạm giam từ Bộ đến địa phương, không liên quan đến cơ quan điều tra. Như vậy, hệ thống quản lý trại tạm giữ, tạm giam trên thực tế đã tách riêng với cơ quan điều tra và khi muốn tạm giữ, tạm giam bất cứ ai, các cơ quan chức năng phải tuân thủ theo một quy trình rất chặt chẽ. Do đó, tôi cho rằng hệ thống như hiện nay là phù hợp”, đại biểu Lê Đông Phong – TP. Hồ Chí Minh nói.
“Theo tôi, mô hình hiện tại chưa có vấn đề gì. Có một số vụ bức cung, nhục hình xảy ra thì chúng ta đang tìm cách khắc phục trong bộ luật Hình sự. Nếu chúng ta tổ chức quản lý theo mô hình mới thì phải xây thêm 700 nhà tạm giữ, như vậy không phù hợp điều kiện và cũng không hẳn tốt, vì còn liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh”, đại biểu Thường nói thêm.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho ý kiến về chế độ với người bị tạm giữ, tạm giam. Các đại biểu nhận xét, nhiều quy định trong dự luật còn trùng nhau, tản mạn. Dự luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc về chế độ với người bị tạm giữ, tạm giam, còn cụ thể nên giao Chính phủ quy định phù hợp với từng thời kỳ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.