(HNM) - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội khẳng định, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Tổ chức cấp ủy các cấp sẽ nỗ lực phấn đấu, không ngừng đổi mới, để công tác tổ chức là cái “chốt” rắn chắc của Đảng, như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo. |
Đổi mới từ tư duy đến hành động
- Sự hình thành và phát triển của ngành Tổ chức xây dựng Đảng gắn liền với sự phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về vai trò, vị trí của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay?
- Công tác tổ chức xây dựng Đảng có hai khía cạnh là tổ chức và cán bộ. Cả hai đều liên quan đến con người, nên có ý nghĩa hệ trọng và nhạy cảm. Với mỗi công tác lại gồm nhiều phần việc khác nhau. Chẳng hạn, với công tác cán bộ thì phải thực hiện nhiệm vụ đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; rà soát, lựa chọn cán bộ; bố trí, sắp xếp cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ... Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, xây dựng Đảng rốt cuộc là xây dựng tổ chức và xây dựng con người, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đường lối chính trị trong mỗi giai đoạn cách mạng. Nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban Tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu cái “chốt” này rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu “chốt” mọt hoặc trục trặc thì tình hình sẽ rất khó lường.
- Từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, công tác tổ chức xây dựng Đảng của thành phố đặt ra rất nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, nhất là việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sắp xếp, tổ chức bộ máy. Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội và ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố đã thực hiện ra sao để xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng đó?
- Nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt; trong khi công tác tổ chức, cán bộ được Đảng bộ thành phố chọn làm khâu đột phá. Nhận thức sâu sắc về điều này, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, Ban Tổ chức Thành ủy và Ban Tổ chức các cấp ủy thành phố đã xác định, phấn đấu đi đầu trong thực thi nhiệm vụ, làm tốt công tác tham mưu, không ngừng đổi mới. Ban Tổ chức Thành ủy đã chủ động tham mưu xây dựng nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ; qua đó hình thành hệ thống quy chế, quy định trong công tác cán bộ ngày càng chặt chẽ, khoa học, sát thực tiễn, theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Quy trình thực hiện công khai, dân chủ là căn cứ quan trọng để tuyển chọn, bố trí, sử dụng cán bộ, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp.
Các lĩnh vực như: Đánh giá tổ chức Đảng và đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... đều có những giải pháp đổi mới mạnh mẽ. Đơn cử như tham mưu giúp Thành ủy và cấp ủy các cấp chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt hiệu quả cao, được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước. Với sự tham mưu của Ban Tổ chức Thành ủy, lần đầu tiên Thành ủy triển khai đánh giá, phân loại chất lượng đảng bộ cấp trên cơ sở; ban hành Quyết định 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 “Về việc ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội”, triển khai thực hiện trong toàn hệ thống chính trị thành phố từ tháng 7-2018. Kết quả thực hiện đã giúp siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng...
Trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy tham mưu ban hành Đề án 04-ĐA/TU ngày 20-9-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý”, giúp đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác này. Đặc biệt, Ban đã tham mưu để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Kết quả, sau hơn một năm thực hiện đã tạo chuyển biến mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, giữ cho Hà Nội bình yên.
Hướng tới những kết quả tốt hơn
- Trong tuần qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Xin đồng chí đánh giá khái quát về kết quả?
- Trước khi thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, mô hình tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn dân cư của thành phố khá đa dạng, nhiều nơi không đồng bộ, tồn tại nhiều bất cập trong hoạt động.
Sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU, kết quả đạt được khá toàn diện. Đề án đã giúp khắc phục cơ bản những hạn chế, bất cập liên quan tới tổ chức hệ thống chính trị địa bàn dân cư; nhất là tình trạng chồng chéo trong lãnh đạo, chỉ đạo. Mô hình tổ chức 1 chi bộ lãnh đạo 1 thôn, 1 tổ dân phố (hoặc một số tổ dân phố), 1 ban công tác mặt trận và chi hội đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn dân cư đã phát huy hiệu quả rõ nét. Không chỉ thống nhất về tổ chức, việc thực hiện đề án còn giúp giảm bớt đầu mối, số lượng cán bộ, từ đó giúp tiết kiệm ngân sách... So với trước khi thực hiện đề án, toàn thành phố đã giảm 2.018 thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 20,1%); giảm 402 chi bộ thôn, tổ dân phố (tỷ lệ 7,1%); giảm 242 ban công tác mặt trận (4,6%); giảm 2.880 chi hội phụ nữ (37%); giảm 302 chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh (5,7%); giảm 848 chi hội cựu chiến binh (14,7%); giảm 851 chi hội nông dân (24,3%).
- Tuy nhiên, việc thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU cũng nảy sinh một số bất cập. Xin đồng chí cho biết cụ thể?
- Việc còn những bất cập nảy sinh bên cạnh những kết quả nổi bật của Đề án số 06-ĐA/TU là điều khó tránh khỏi. Tất cả đã được phân tích, đánh giá, tổng hợp trong Báo cáo của Thành ủy Hà Nội. Cụ thể có 4 vấn đề được đặt ra. Trong đó, quá trình thực hiện đề án đã hình thành thêm hơn 120 chi bộ thôn, tổ dân phố có từ 100 đảng viên trở lên; nâng con số chi bộ loại này toàn thành phố lên 386. Số đảng bộ bộ phận trên địa bàn dân cư trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn cũng tăng từ 1 lên 23. Ngoài ra, quy mô số hộ dân ở thôn, tổ dân phố một số nơi còn chưa phù hợp...
- Vậy thời gian tới, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố sẽ thực hiện giải pháp gì để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng nói chung, trong đó có việc tham mưu khắc phục những bất cập đặt ra sau 5 năm thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU?
- Chúng tôi xác định tinh thần là không cho phép mình bằng lòng với kết quả trước mắt hay giảm nỗ lực phấn đấu, thiếu năng động, không chịu tìm tòi, đổi mới. Từ nay đến cuối năm 2018, Ban Tổ chức Thành ủy đã xác định 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tham mưu giúp cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện và đôn đốc, hướng dẫn các cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án của thành phố và của cấp trên nhằm thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Thành ủy Hà Nội. Đặc biệt là cụ thể hóa kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm công tác giữa nhiệm kỳ vừa qua; tham mưu chỉ đạo kiểm điểm sâu tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên; hoàn thiện Đề án Thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên...
Với Đề án số 06-ĐA/TU, trọng tâm công tác của ngành là phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan khắc phục những khó khăn, bất cập đã được chỉ ra; đồng thời, tham mưu khắc phục tình trạng thôn, tổ dân phố chưa có tổ chức Đảng; nghiên cứu triển khai mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; đặc biệt là nghiên cứu mô hình thí điểm kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn, tổ dân phố...
Trên cơ sở nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới chính quyền địa phương theo nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TƯ “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, các cấp ủy, chính quyền tiếp tục chỉ đạo việc rà soát để điều chỉnh quy mô thôn, tổ dân phố cho phù hợp. Đối với chi bộ có đông đảng viên, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp ủy cấp trên trực tiếp để quan tâm, tạo điều kiện nâng cao chất lượng cấp ủy chi bộ... Chúng tôi cũng sẽ tham mưu không mở rộng phát triển mô hình đảng bộ bộ phận thôn, tổ dân phố trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; song song với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động của các đảng bộ bộ phận đã thành lập.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.