Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên tiêu ''của để dành''

Minh Vũ| 11/04/2022 08:19

(HNM) - Việc tham gia bảo hiểm xã hội để được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe khi không may bị ốm đau, tai nạn, mắc bệnh nghề nghiệp, về già có lương hưu được coi là “của để dành” của người lao động. Vì thế, người lao động không nên tiêu trước khoản dự phòng này bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bảo đảm việc làm là giải pháp quan trọng để người lao động hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Ảnh: Nhật Nam

Bà Nguyễn Thị Chính, Trưởng khoa Bảo hiểm (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) phân tích, người già là đối tượng cần được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ, chính sách an sinh xã hội. Trong khi đó, những năm gần đây, tỷ lệ người già ở nước ta chiếm khoảng 17% trong cơ cấu dân số, nhưng chỉ có hơn 6% đang hưởng tiền lương hưu, trợ cấp xã hội. Như vậy, số người chưa có tiền lương hưu, trợ cấp xã hội hằng tháng hiện nay chiếm khoảng 11%, tương ứng với khoảng 10 triệu người.

Để chắc chắn có khoản tiền lương hằng tháng khi tuổi già, cùng với nguồn kinh phí từ ngân sách, sự quan tâm, trợ giúp của các cơ quan chức năng, mỗi người dân trong độ tuổi lao động cần tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc (dành cho đối tượng có hợp đồng lao động) và bảo hiểm xã hội tự nguyện (dành cho lao động tự do). Tiếc rằng, số người tham gia bảo hiểm xã hội ở nước ta còn thấp. Tính đến thời điểm cuối tháng 3-2022, cả nước có hơn 16,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng gần 34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nói cách khác, cả nước còn khoảng 66% lao động trong độ tuổi, tương ứng với hơn 30 triệu người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, nên nhiều người chưa chắc có khoản tiền lương hằng tháng khi về hưu.

Đáng quan tâm hơn, nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội đã tiêu trước “của để dành” bằng cách rút bảo hiểm xã hội một lần. Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, những năm gần đây, trung bình mỗi năm cả nước có gần 750.000 người đề nghị rút bảo hiểm xã hội một lần, tương ứng với 2 người tham gia mới, thì có một người rời hệ thống. Hiện tượng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong 2 năm liên tiếp (2020 và 2021), mỗi năm, cả nước ghi nhận hơn 860.000 lao động rút bảo hiểm xã hội một lần; còn trong 3 tháng đầu năm nay là gần 209.000 người.

Nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến đời sống người lao động gặp khó khăn, buộc họ lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần để có khoản tiền trang trải cuộc sống trước mắt. “Tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội được 10 năm, hiện muốn kinh doanh nhỏ, cần vốn để gây dựng, nên tôi đăng ký rút bảo hiểm xã hội một lần”, chị Trần Thị Loan, nhân viên một công ty vận tải ở Hà Nội chia sẻ.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, người lao động nhận bảo hiểm xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách, trong đó có chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất.

Dưới góc nhìn khách quan, ông André Gama, Phụ trách chương trình an sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhấn mạnh, mức hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế dù ít hay nhiều cũng là khoản thu nhập thay thế, bù đắp cho khoản tiền lương, tiền công bị mất đi khi họ không thể tham gia lao động. Hơn nữa, số người rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng làm ảnh hưởng đến hệ thống an sinh xã hội.

Để khắc phục tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, chính sách bảo hiểm xã hội nên được thiết kế lại theo hướng linh hoạt hơn. Trong đó, quy định rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn duy trì, nhưng chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp...

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, những thiệt hại, hệ lụy khi nhận bảo hiểm xã hội một lần để người lao động cân nhắc quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Việc quan tâm, chăm lo đời sống cho người lao động cũng được các cấp công đoàn quan tâm.

Dưới góc độ thực hiện chính sách, ông Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, ngành đang phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Trước mắt, các cơ quan chức năng tập trung triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ, giúp người lao động cải thiện điều kiện sống, yên tâm gắn bó với công việc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên tiêu ''của để dành''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.