Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không nên quá lo lắng về thực phẩm ảnh hưởng phóng xạ

Đức Trung - Thế Dũng| 26/03/2011 08:30

(HNM) - Ngành y tế khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng về việc có thể bị nhiễm xạ từ nguồn thực phẩm nhập khẩu của Nhật Bản và nguy cơ từ nguồn không khí phát tán.


Bởi vì chưa có căn cứ chính xác những nguồn thực phẩm này ảnh hưởng tới sức khỏe, cũng như lượng phóng xạ nếu có lan tới Việt Nam thì liều lượng phóng xạ sẽ thấp hơn ngưỡng chấp nhận của cơ thể. Thời điểm hiện tại, Bộ Y tế chưa có chủ trương cấm các mặt hàng sản xuất từ Nhật Bản, tuy nhiên, Bộ cũng vừa có thông báo đề nghị các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm Nhật Bản vào Việt Nam phải có giấy Chứng nhận an toàn phóng xạ, đồng thời ngành y tế vẫn tiếp tục phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Bộ Y tế Nhật Bản để cập nhật các thông tin liên quan đến việc cảnh báo về thực phẩm nhiễm phóng xạ.

*Trong khi đó thông tin mới nhất được Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Nhật Bản) của Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo tối 25-3 cho biết: Hình ảnh mô phỏng tại vùng Đông Nam Á cho thấy đám mây phóng xạ hiện đang có hướng di chuyển xuống phía Tây nam đối với vị trí của Nhà máy điện Fukushima I. Hôm nay, mây phóng xạ sẽ đi qua phía Nam quần đảo Phillipines và hướng đến Indonesia và Malaysia. Với Việt Nam, trong ngày 25-3 phần đám mây di chuyển theo hướng đông bay qua gần mũi Cà Mau nhưng không đi vào đất liền và đang hướng đến Malaysia. Đám mây có chứa các nhân phóng xạ phát tán rộng hơn và thêm nhiều trạm quan trắc của các trung tâm dữ liệu quốc gia của Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBTO) đã ghi nhận được. Tuy nhiên nồng độ các nhân phóng xạ trong không khí quan trắc được của các trạm là giảm khoảng một bậc so với ngày 24-3.

Cũng theo Bộ Khoa học và Công nghệ, kết quả kiểm xạ môi trường tại Trạm quan trắc Đà Lạt ngày 25-3 cho thấy, trong bụi khí chỉ quan trắc thấy các đồng vị phóng xạ tự nhiên là: Be-7, có nguồn gốc từ tia vũ trụ; K-40, Th-232 và U-238, có nguồn gốc từ bụi đất. Trạm quan trắc của Trung tâm ứng phó sự cố - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân tại Hà Nội cho thấy chưa có mức tăng phông bức xạ bất thường trong ngày 25-3. Tuy nhiên, các trạm quan trắc của Việt Nam đã được thông báo sẵn sàng để có thể cảnh báo sớm mức độ phóng xạ trong các đám mây nếu chúng tới Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không nên quá lo lắng về thực phẩm ảnh hưởng phóng xạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.