Công tác thi và tuyển sinh năm 2025 tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ trong áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số với mục tiêu tăng minh bạch, giảm vất vả cho thí sinh, người nhà thí sinh trong thi, tuyển sinh.
Lần đầu tiên, thí sinh có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng ký thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Đây cũng là năm Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, phổ thông để giải quyết tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng nộp hồ sơ vào các lớp đầu cấp.
Vài năm gần đây, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tuyển sinh và thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã giúp thí sinh và nhà trường tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Nếu như trước năm 2023, hằng năm có khoảng 1 triệu lượt học sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 650-700 nghìn lượt học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng phải nhập dữ liệu như thông tin cá nhân, kết quả học tập, chế độ ưu tiên, môn thi, nguyện vọng xét tuyển… trên phiếu bằng bản giấy, thì từ năm 2023 đến nay, toàn bộ quy trình đăng ký đã được thực hiện trực tuyến.
Đánh giá về thay đổi này, sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế quốc dân Nguyễn Thị Ngọc Anh chia sẻ: “Năm ngoái, tôi đã thực hiện toàn bộ quy trình từ đăng ký thi tốt nghiệp, xét tuyển đại học, đến khâu nộp lệ phí, xác nhận nhập học đều theo hình thức trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn). Việc không phải điền thông tin vào phiếu bằng bản giấy giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, thuận tiện và đặc biệt là có thể tự điều chỉnh thông tin nếu phát hiện sai sót. Sau khi đăng ký, tôi cũng có thể đăng nhập hệ thống biết được hồ sơ của mình được xử lý đến khâu nào, kết quả ra sao”.
Còn học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm) Trần Khánh Chi cho biết, qua hướng dẫn, nhận thấy việc đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 trên hệ thống khá đơn giản, thuận lợi nhất là có thể tự điền thông tin ở mọi nơi, mọi lúc. Nếu lỡ điền thông tin chưa chuẩn, thí sinh có thể tự điều chỉnh, sửa chữa tại bất cứ đâu, thời điểm nào, miễn là trong khoảng thời gian đăng ký thi từ ngày 21-4 đến 17h ngày 28-4 mà không cần phải đến trường.
Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông, trước đây nhà trường tốn nhiều thời gian và cả nhân lực hỗ trợ học sinh suốt thời gian đăng ký dự thi. Nhiều khi học sinh chỉ cần điền sai một thông tin là phải thay phiếu, điền lại toàn bộ từ đầu, vừa tốn kém, vừa mất thời gian. Với hệ thống hỗ trợ tuyển sinh hiện nay, nếu chẳng may điền sai, học sinh có thể sửa trực tiếp trên hệ thống rất thuận tiện.
Thông tin thêm về những lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với người học, Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Quang Hưng cho biết, từ năm 2023 đến nay, mỗi năm có khoảng 750.000 học sinh cuối cấp thuộc diện chính sách không phải xin giấy xác nhận cư trú của địa phương để được hưởng chính sách ưu tiên trong xét tốt nghiệp và tuyển sinh.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ngành Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong những nhiệm vụ, cũng là giải pháp trọng tâm, đột phá nhằm tiếp tục giảm áp lực, tốn kém về thời gian, nhân lực và tăng minh bạch trong tổ chức thi, tuyển sinh.
Năm nay, lần đầu tiên học sinh có thể sử dụng tài khoản định danh VNeID, đăng nhập Cổng dịch vụ công quốc gia để đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học. Như vậy, bên cạnh việc sử dụng mã học sinh đăng nhập hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo như các năm trước, học sinh có thêm cách đăng ký thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Việc này giúp học sinh có thêm kênh tra cứu chính xác thông tin cá nhân; thông tin kê khai của học sinh được lưu bằng bản điện tử với ngày, giờ cụ thể, làm căn cứ đối chiếu khi cần và có thể truy xuất mọi nơi, mọi lúc, giúp cho việc thi, tuyển sinh minh bạch, thuận lợi hơn.
Với việc được sử dụng tài khoản VNeID, từ năm nay, thí sinh tự do (chưa hoặc đã tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2024 trở về trước) cũng có thể đăng ký dự thi, xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến, thay vì phải đến đăng ký tại các điểm tiếp nhận hồ sơ do sở giáo dục và đào tạo quy định như các năm trước.
Tại Hà Nội, kỳ tuyển sinh năm học 2025-2026, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh hình thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6). Hình thức này đã được triển khai nhiều năm qua với tỷ lệ đăng ký thành công hằng năm chiếm trên 80% - thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ của cha mẹ học sinh. Đặc biệt, với việc mở rộng hình thức tuyển sinh trực tuyến tới các trường ngoài công lập, Hà Nội đã giải quyết căn bản được hiện tượng phụ huynh học sinh xếp hàng từ nửa đêm để chờ tới lượt nộp hồ sơ. Phụ huynh học sinh không còn nỗi lo “mất chỗ”, mà có thể ngồi tại nhà hoặc bất cứ đâu đăng nhập hệ thống để nộp hồ sơ tuyển sinh cho con.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, hình thức tuyển sinh trực tuyến là giải pháp được thành phố duy trì từ nhiều năm nay, được phụ huynh học sinh ủng hộ bởi tăng tính minh bạch, công bằng. Năm học 2025-2026, Sở tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, triển khai hình thức tuyển sinh trực tuyến với tất cả các lớp đầu cấp, đặc biệt là với các trường ngoài công lập, để bảo đảm mọi gia đình học sinh, dù có nguyện vọng vào bất kỳ trường nào cũng có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.