(HNM) - Theo Bộ Tài chính, tổng thu nội địa 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 236.170 tỷ đồng, bằng 43,3% dự toán, là mức thấp so với cùng kỳ những năm gần đây.
Kinh tế khó khăn là một trong những thách thức với ngành tài chính trong việc thu ngân sách nhà nước những tháng cuối năm. Ảnh: Hải Linh |
Tại hội nghị trực tuyến về tài chính - ngân sách với các địa phương được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 6-2013, toàn ngành đã cơ bản thực hiện xong các giải pháp về tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD), hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ. Việc ban hành kịp thời thông tư hướng dẫn thực hiện gia hạn, giảm một số loại thuế, phí... đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp (DN), thúc đẩy thị trường và được đánh giá cao. Tuy nhiên, việc cùng lúc phải thực hiện các giải pháp giãn, giảm thuế và bảo đảm nguồn thu NSNN đã tạo ra những thách thức lớn với ngành tài chính. 6 tháng đầu năm nay, tổng thu NSNN ước đạt 356.520 tỷ đồng, đạt 43,7% dự toán, tăng 4,5% mức thực hiện cùng kỳ năm 2012. Chỉ có 3/14 khoản thu, sắc thuế thu đạt tiến độ dự toán và có 21/63 địa phương có số thu nội địa đạt kế hoạch (hơn 50%) nhưng chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ. 42/63 địa phương thu đạt dưới 50% dự toán, trong đó có các đầu tàu kinh tế như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng...
Để giữ vững an ninh tài chính trong điều kiện giảm thu, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố dừng ban hành các chính sách làm giảm thu, hạn chế thấp nhất việc ban hành các chế độ, chính sách làm tăng chi NSNN... bảo đảm cân đối ngân sách các cấp; chia sẻ khó khăn giữa ngân sách trung ương và địa phương. Mỗi địa phương chủ động phấn đấu tăng thu, thu hồi nợ đọng để bù vào phần giảm thu do miễn, giảm, giãn thuế...
Kiến nghị về giải pháp cân đối thu - chi NSNN những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, công tác thu 6 tháng đầu năm của Hà Nội đạt thấp hơn so với kế hoạch là do nhiều DN, ngân hàng đang khó khăn. Những tháng cuối năm, Hà Nội kiến nghị Bộ Tài chính cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương bù đắp chi thường xuyên khi hụt thu, tạm ứng vốn nhàn rỗi tại kho bạc, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô. Thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng sửa đổi nghị định về quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho các DN.
Chia sẻ những khó khăn trong việc thu NSNN, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ nay đến cuối năm, trung bình mỗi tháng TP Hồ Chí Minh phải thu 20.000 tỷ đồng và đây là áp lực lớn. Do đó, thành phố tiếp tục triển khai những giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho DN thông qua đối thoại tháo gỡ vướng mắc, triển khai chương trình kết nối giữa ngân hàng, giúp DN tiếp cận vốn.
Tại hội nghị nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN từ nay đến cuối năm rất nặng nề. Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều thách thức, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy SXKD, coi đó là gốc rễ để nuôi dưỡng nguồn thu. Bộ Tài chính chủ động làm việc với các địa phương, DN, nhất là các đơn vị có số thu lớn theo nguyên tắc không lạm thu, nhưng tránh thất thu. Bên cạnh đó, ngành tài chính cần giám sát, kiểm tra việc hoàn thuế giá trị gia tăng, công tác chống chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế, trốn thuế và chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan. Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, các bộ, ngành, các địa phương cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp đồng bộ với Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tạo điều kiện tăng thu ngân sách trên địa bàn. Ngành tài chính cũng cần thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách, rà soát từng khoản chi tiêu, kiên quyết cắt giảm, hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa cấp thiết, thu hồi về ngân sách những khoản chi sai chế độ quy định. Trước sức ép lạm phát còn tiềm ẩn, Bộ Tài chính cần kiểm soát chặt chẽ thị trường, giá cả, kiên định việc điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đối với xăng, dầu, than và thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện...
Truy thu 3.185 tỷ đồng qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế (HNM) - Ngày 19-7, Tổng cục Thuế tổ chức hội nghị sơ kết công tác thuế 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. 6 tháng qua, số thu nội địa ngành thuế thực hiện ước đạt 291.600 tỷ đồng, bằng 45,2% so với dự toán, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ có 31/63 địa phương có số thu đạt trên 48%, số còn lại tiến độ thu đạt dưới 48%. Để bảo đảm nguồn thu ngân sách và triển khai kịp thời chính sách giãn, giảm thuế, ngành đã đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chống thất thu. Đã thực hiện 18.198 cuộc thanh tra, kiểm tra, truy thu 3.185 tỷ đồng tiền thuế. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.