Các nghị sỹ Mỹ đã bác bất kỳ hình thức khoan hồng nào cho Edward Snowden, cựu nhân viên phân tích tình báo đào tẩu của Mỹ.
Snowden có cả những người lên án lẫn ủng hộ |
“Snowden đã vi phạm luật pháp Mỹ. Anh ta cần phải quay lại Mỹ để đối mặt với công lý,” ông Dan Pfeiffer, cố vấn Nhà Trắng nói.
Trong một lá thư gửi đến một chính trị gia Đức, Snowden đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp thuyết phục Mỹ từ bỏ cáo buộc do thám nhằm vào mình.
Snowden, 30 tuổi, đã chạy đến Nga hồi tháng Sáu sau khi đã rò rỉ về chương trình do thám điện thoại và Internet trên diện rộng của Mỹ.
Snowden đã được Nga cho tỵ nạn tạm thời cho đến tháng Bảy năm 2014.
‘Nói thật không có tội’
Trong một động thái bất ngờ hồi tuần trước, một nghị sỹ thuộc Đảng Xanh của Đức đã đến gặp Snowden ở Moscow và cho biết anh đã sẵn sàng báo cáo trước Chính phủ Đức về chương trình do thám của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA).
Snowden thể hiện lập trường của mình trong một lá thư mà Nghị sỹ Đức Hans-Christian Stroebele đưa ra cho phóng viên xem tại một cuộc họp báo ở Berlin hôm thứ Sáu ngày 1/11.
“Nói ra sự thật không phải là tội,” Snowden viết. Anh cho rằng mình đã bị Chính phủ Mỹ bức bách với cáo buộc gián điệp.
Hôm Chủ nhật ngày 2/11, Nhà Trắng cho biết họ không thảo luận bất cứ đề xuất khoan hồng nào cho Snowden.
Quan điểm này cũng được Hạ nghị sỹ Mike Rogers của Đảng Cộng hòa và Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein của Đảng Dân chủ chia sẻ.
Bà Feinstein, chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện, nếu Snowden thật sự là một người thấy việc bất bình mà lên tiếng thì nhẽ ra anh ta phải trình bày riêng trước ủy ban của bà nhưng anh đã không làm như thế.
“Chúng tôi có thể gặp anh ta và xem xét các thông tin anh ta đưa ra. Nhưng điều đó đã không xảy ra và giờ đây anh ta lại làm hại đất nước đến như vậy,” Thượng nghị sỹ Feinstein nói trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS.
“Tôi nghĩ câu trả lời là không khoan hồng gì cả,” bà nói.
Quy mô của chương trình do thám mà Mỹ bị cáo buộc đã gây ra quan ngại cho cộng đồng quốc tế và nhiều nước đã kêu gọi Mỹ giám sát chặt chẽ hơn chương trình này.
Các lãnh đạo tình báo Mỹ đã biện hộ cho việc do thám các lãnh đạo nước ngoài và xem đây là một trong những mục tiêu chủ chốt của họ. Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với sự giận dữ ngày càng tăng trước các cáo buộc họ theo dõi đồng minh.
Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng trong một số trường hợp việc do thám của Mỹ đã đi quá xa.
Ông cho biết ông sẽ làm việc với Tổng thống Barack Obama để ngăn chặn NSA có thêm các hành động ‘không phù hợp’.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.