(HNMCT) - Khu di tích Chiến trường Điện Biên Phủ gồm 45 di tích thành phần. Đây là một không gian lịch sử và cũng là sản phẩm du lịch nổi bật, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, nhắc nhở người Việt Nam về ký ức hào hùng của chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đồng thời mang lại giá trị kinh tế cho địa phương.
Du khách tham quan khu di tích đồi A1. |
Không gian của những ký ức hào hùng
Những ngày tháng 5 lịch sử này, nhiều đoàn khách đổ về thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) thăm lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019).
Đã có rất nhiều đổi thay trên vùng đất từng là chiến trường khốc liệt năm xưa, với chiến dịch 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân dân ta, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nay là một trong số hơn 100 di tích quốc gia đặc biệt của cả nước và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch của tỉnh Điện Biên.
Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên bao gồm các di tích nổi bật như: Đồi A1, đồi Ðộc Lập, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, cầu Mường Thanh, hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (hay hầm Đờ Cát), Tượng đài chiến thắng, Tượng đài kéo pháo, Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên Phủ... Những di tích này đã để lại ấn tượng sâu sắc, thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Điện Biên.
Nằm ở phía đông trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, đêm 6-5-1954, quân ta đã đào một đường hầm, đặt khối thuốc nổ nặng gần 1.000kg và cho điểm hỏa. Đến sáng 7-5-1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn đồi A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm và giành thắng lợi hoàn toàn. Đồi A1 nay là điểm tham quan thu hút du khách trong nước và quốc tế với các hầm, hào, lô cốt, xe tăng được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây, khách du lịch có thể trải nghiệm đẩy xe đạp thồ, nấu ăn bằng bếp Hoàng Cầm, nghe cựu chiến binh kể chuyện...
Hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm lòng chảo Điện Biên. Đây là căn hầm với các phòng làm việc, nghỉ ngơi của tướng Đờ Cát cùng Bộ chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đây cũng là nơi đánh dấu sự thất bại thảm hại của một đạo quân viễn chinh với hình ảnh viên tướng chỉ huy cùng toàn bộ sĩ quan dưới quyền giơ tay xin hàng và bộ đội ta phất cao lá cờ Quyết chiến quyết thắng kết thúc chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Một di tích khác không thể không nhắc tới cùng những bản hùng ca về người chiến sĩ Điện Biên đó là di tích Đường kéo pháo. Tuyến đường huyền thoại này đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành huyền thoại. Chỉ bằng sức người cùng những dụng cụ thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, tinh thần anh dũng quả cảm, quân và dân ta đã mở những tuyến đường trên các sườn núi quanh co hiểm trở để kéo pháo vào trận địa.
Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 20km là Sở chỉ huy chiến dịch nằm sâu trong khu rừng Mường Phăng. Đây là nơi đóng quân của Bộ chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 31-1 đến 15-5-1954. Trong những ngày ở đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, mang tính lịch sử. Rừng Mường Phăng đã trở thành biểu tượng sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam và được người dân gọi là “Rừng Đại tướng”.
Trong quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, một công trình tuy ra đời trong thời bình nhưng có vai trò hết sức quan trọng, đó là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Công trình này được hoàn thành năm 2014, đúng dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bảo tàng có hình dáng mô phỏng chiếc mũ của bộ đội ta năm xưa. Đây là nơi lưu giữ các hiện vật trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, gồm 2 khu trưng bày: Bên ngoài gồm 112 hiện vật là các loại vũ khí của Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp sử dụng, bên trong trưng bày 274 hiện vật và 202 bức ảnh tư liệu. Bảo tàng đã góp phần phát huy giá trị quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ và là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến với Điện Biên.
Bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử
Trong nhiều năm qua, quần thể di tích lịch sử Chiến trường Điện Biên Phủ luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm giữ gìn và bảo vệ, đồng thời phát triển thành điểm nhấn trong hành trình tham quan của du khách. Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cho biết: Lượng khách du lịch tham quan quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng tăng theo từng năm. Rất nhiều điểm di tích tiêu biểu tại đây đã được đầu tư tôn tạo, phục dựng, gắn với việc phát huy, khai thác giá trị du lịch, góp phần thu hút du khách. Tỉnh Điện Biên cũng rất quan tâm đến công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu di tích. Tuy nhiên, việc trùng tu tôn tạo các di tích hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách bởi công tác xã hội hóa còn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc về cơ chế. Vì vậy, nhiều di tích mặc dù đã xuống cấp nhưng chưa thể tu bổ, tôn tạo ngay, làm tăng nguy cơ đe dọa đến tính nguyên gốc của di sản.
Để trở thành một trung tâm du lịch của khu vực Tây Bắc và cả nước, tỉnh Điện Biên cần bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa nói chung và quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ nói riêng. Đó là một trong những nội dung được xác định trong Ðề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ đến năm 2030. Trong năm 2019, tỉnh Điện Biên đầu tư hơn 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để tu bổ một số điểm di tích như: Trung tâm Văn hóa Cựu chiến binh tại đồi E, các di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Trận địa pháo 105 và H6, đường kéo pháo… nhằm phục vụ du khách và góp phần tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ.
Việc đầu tư liên tục, lâu dài cho công tác bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích, không gian văn hóa lịch sử Điện Biên Phủ là cách làm hiệu quả để phát huy nguồn tài nguyên du lịch nhân văn riêng có của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là cách đánh dấu sự khác biệt của các sản phẩm du lịch tỉnh Điện Biên với các tỉnh khác trong vùng Tây Bắc, đồng thời tăng cường giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ người dân Việt Nam và thu hút du khách nhiều hơn nữa trong tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.