(HNMCT) - Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kéo dài và được siết chặt hơn ở nhiều địa phương.
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi gia đình là một pháo đài”, nhiều hoạt động xã hội, công việc bị đình trệ, mọi người chủ yếu giao tiếp với nhau thông qua "kênh" viễn thông, mạng xã hội... Phải khẳng định, thời gian qua mạng xã hội đã phát huy có hiệu quả những mặt tích cực. Những thông tin chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch; những hình ảnh đẹp thể hiện tình đoàn kết gắn bó quân dân, truyền thống nhân ái và đạo lý “lá lành đùm lá rách” của người Việt và thông điệp “không để ai bị bỏ lại phía sau”... được lan tỏa mạnh mẽ, làm ấm lòng mọi người dân không chỉ ở khu vực dịch bệnh hoành hành mà trên toàn quốc, toàn cầu.
Thông qua mạng xã hội, nhiều “kênh” kết nối hỗ trợ trang thiết bị chống dịch, giúp nhau nhu yếu phẩm để cùng vượt qua khó khăn đã hình thành và hoạt động hiệu quả. Những buổi biểu diễn nghệ thuật trực tuyến cũng đã góp phần động viên mọi người thêm vững vàng, lạc quan, cùng hướng tới ngày mai tươi sáng...
Thế nhưng, bên cạnh mặt tích cực, vẫn có không ít những "hạt sạn” trong việc sử dụng mạng xã hội. Chưa kể những hành vi, ứng xử thiếu văn hóa, nhiều chủ tài khoản mạng xã hội đã bị xử phạt hành chính vì đưa thông tin không chính xác, thiếu kiểm chứng hoặc thông tin bịa đặt để câu view, "lấy nước mắt” cư dân mạng, thậm chí để lừa đảo để thu lợi cá nhân. Những quyết định xử phạt nghiêm khắc tưởng như sẽ làm "chùn tay" các "anh hùng bàn phím", thế nhưng vẫn có không ít tài khoản mạng xã hội tiếp tục sai phạm hoặc có hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm, gây bức xúc dư luận.
Ngoài những hành vi cố tình đưa thông tin sai sự thật với dã tâm chống phá, gây rối loạn xã hội, không ít bài viết, bình luận chỉ nhằm thỏa mãn cái tôi, có thể làm tổn hại người khác. Đơn cử như có người đi làm từ thiện, phát suất ăn rồi tranh thủ “dạy dỗ”, quát nạt người có hoàn cảnh khó khăn, hay đùa cợt không đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh để “bỏ bom” người có lòng hảo tâm, hoặc có những người chỉ xem qua một hình ảnh, chưa rõ bản chất vấn đề đã lập tức giở giọng đạo đức để phê phán, mạt sát người khác... Dường như họ cho rằng cách ứng xử, bình luận "cho sướng miệng", không quan tâm tới thái độ tiếp nhận của người khác như vậy là thể hiện sự “sắc sảo”, “thông minh”, song thực tế lại chứng tỏ sự thiếu văn hóa trong giao tiếp, ứng xử.
Như đã nói, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, “gia đình cách ly với gia đình”, “thôn bản cách ly với thôn bản” nên mạng xã hội ngày càng trở thành kênh giao tiếp quan trọng với rất nhiều người. Vì thế, xã hội ảo ngày càng thực hơn và những điểm tốt, điểm xấu trong mỗi cá nhân cũng được phơi bày qua từng câu chữ, hình ảnh phản ánh giao tiếp, ứng xử. Tiếc là không phải ai cũng nhận ra điều đó.
Nhiều người vẫn cho rằng đây chỉ là không gian ảo nên có thể nói văng mạng không cần suy nghĩ, không cần quan tâm tới hậu quả từ hành vi, phát ngôn của mình. Đó là suy nghĩ sai lầm, bởi rất nhiều trường hợp cho rằng sẽ chẳng ai có thể tìm ra mình, đã bị cơ quan chức năng cũng như cộng đồng mạng truy tận gốc, xác định rõ danh tính, nơi ở để vạch rõ sự thật, lên án và thậm chí truy cứu trách nhiệm trên cơ sở luật định. Xã hội ảo mà thật! Những tưởng không ai biết nhưng vẫn bị phát hiện, để rồi ê chề, xấu hổ với người thân, cộng đồng.
Bởi vậy, hãy suy nghĩ thật kỹ khi viết, đăng tải thông tin, bình luận trên mạng xã hội để không bị mang tiếng là ứng xử thiếu văn hóa!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.