Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không gì bằng sự rõ ràng

Dục Tú| 30/12/2013 05:53

(HNM) - Tuần vừa rồi, báo chí đưa nhiều tin đáng quan tâm. Có cả tin về vấn đề quan trọng, cũng có tin mà người đọc không thể hiểu là mình đang đọc một câu chuyện nghiêm túc hay chuyện đùa. Có thể dẫn ra đây hai chuyện mà báo chí mới nêu.

Thứ nhất là câu chuyện về người phụ nữ "thích quan hệ" tên N. ở Hải Dương. Hai là thông tin về một chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học tố rằng mình bị gợi ý "chia phần trăm" kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu.

Nói về chuyện liên quan đến vị chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp nhà nước xin thôi nhiệm vụ chủ nhiệm vì bị gợi ý "trích lại" đến một nửa kinh phí, nếu đó là sự thật thì quả là việc nghiêm trọng. Vấn đề không hẳn nằm ở bản thân yêu cầu "trích lại" bởi việc đó không còn là mới, thường được hiểu dưới dạng "quản lý phí", mà nằm ở tỷ lệ "trích" lớn đến mức mà người tiếp nhận thông tin phải choáng. Quanh thông tin ban đầu về sự việc này, báo chí đã dẫn lời của một số nhà khoa học, đa số bất ngờ, tỏ ý khó chịu với đòi hỏi quá đáng nói trên.

Thông tin về người phụ nữ tên N. ở Hải Dương thích gần gũi với lái xe tắc xi trên địa bàn tỉnh này còn khiến người đọc choáng hơn nữa. Tác giả của một số bài báo liên quan mô tả chị N. như một "con nghiện" tìm cách thỏa mãn nhu cầu bằng cách mà nói ra chuyện tuyệt đại đa số phụ nữ Việt Nam phải đỏ mặt. Người ta đăng bài viết kèm ảnh cổng nhà chị N. đưa rõ lai lịch của chị và tất nhiên là cả ý kiến của một vài lái xe tắc xi được cho là nạn nhân. Xét về thông tin không thôi, như thế kể như đã là quá cụ thể về một con người mà bây giờ, sau vài ngày ồn ào thông tin, càng lúc người đọc càng thấy ái ngại cho cả phía đưa tin và người bị thông tin. Khả năng tâm sinh lý của con người, điều kiện, bối cảnh có cho phép nảy sinh hành động "khủng khiếp" như đã được mô tả? Có thể là chuyện bé xé ra to hay là chuyện bịa đặt hoàn toàn?

Đó đều là những thông tin chưa có được sự phản hồi hoặc sự phản hồi chưa đầy đủ dù sau thông tin có người đã chịu hậu quả rõ ràng. Những người được cho là bố mẹ của chị N trong những bài báo kể trên đã phải tất tả "lên báo" thanh minh cho con mình; từ nước ngoài, một người tự nhận là nhân vật trung tâm của câu chuyện khó tin đã tỏ ý mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự thật để nhân phẩm của mình không bị tổn hại.

Hai câu chuyện trên khác hẳn nhau, không liên quan đến nhau nhưng đều có chung một điều đáng lưu ý: Cần phải được làm rõ để dư luận hiểu đúng vấn đề, tránh sự oan ức cho ai đó, hoặc có giải pháp cho vấn đề nếu sự thể được nêu là chính xác.

Câu chuyện nhuốm màu "liêu trai" liên quan đến chị N giờ vẫn còn đầy trên mạng internet. Những nơi liên quan hoặc có trách nhiệm liên quan chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng về vụ việc, thường thấy lý do là "mới chỉ nghe nói", "chưa thấy có ai làm đơn trình báo"… Đó là tình trạng tù mù không nên để kéo dài, dù không có đơn từ thì cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp xác minh sự vụ, bởi việc nói trên không dừng ở mức tin đồn nữa mà đã gây ra hệ lụy không có lợi cho nhận thức chung, tác động tệ hại đến hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Vả lại, với hai câu chuyện trên, không quá khó để cơ quan có trách nhiệm đưa ra nhận định "có" hay "không" nhằm định hướng dư luận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không gì bằng sự rõ ràng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.