Góc nhìn

Không được phép lơ là

Bắc Vũ 28/03/2024 - 06:15

Một con số thống kê đáng chú ý là có hơn 70% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi trên thế giới là bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Ở Việt Nam, thời gian qua, nhiều dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người đã, đang lưu hành và có tác động lớn đến sức khỏe người dân, cũng như kinh tế - xã hội. Nổi lên trong thời gian gần đây là bệnh dại lây từ chó, mèo; cúm A/H5N1 lây từ gia cầm; bệnh liên cầu lợn ở người…

Trong đó, bệnh dại đang có những diễn biến phức tạp khi chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024 đã có 27 ca tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Cần lưu ý thêm, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh trước đây không phải là vùng trọng điểm về bệnh dại, trong đó, miền Trung ghi nhận 10 ca tử vong do bệnh này.

Đáng chú ý, bệnh cúm gia cầm, sau hơn 8 năm không ghi nhận ca mắc nào trên người, thì từ năm 2022 đến nay đã ghi nhận 2 ca mắc mới, trong đó có một ca tử vong (vào tháng 3-2024). Điều đáng quan ngại là dịch cúm gia cầm vẫn ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bệnh lây truyền từ động vật sang người luôn đặc biệt nguy hiểm. Như bệnh dại, khi phát bệnh, người đã bị bệnh gần như tử vong 100%. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn lơ là, chủ quan hoặc điều trị sai cách gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo hiện chỉ đạt khoảng 30%; chưa kể tình trạng chó, mèo không đeo rọ mõm khi ra đường rất phổ biến… Còn về bệnh cúm gia cầm, ngoài thói quen giết mổ nhỏ lẻ diễn ra ở nhiều nơi và chưa có biện pháp xử lý triệt để, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết có nhiều thay đổi có lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển…

Trước những dấu hiệu cảnh báo phức tạp của dịch bệnh, các cấp, ngành, địa phương và đặc biệt là người dân không được phép chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh có nguồn gây bệnh từ động vật.

Để phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên và đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền địa phương và mỗi người dân.

Với bệnh dại đang diễn biến phức tạp, cần thực hiện nghiêm Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14-3-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh dại. Trong đó, yêu cầu quan trọng là các địa phương cần bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Đồng thời, chủ động giám sát chặt chẽ trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để thực hiện tiêm phòng theo hướng dẫn của ngành Y tế cũng như xử lý ổ dịch kịp thời, hiệu quả…

Với bệnh dịch cúm gia cầm, người dân tuyệt đối không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Cùng với đó, người dân không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời…

Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác truyền thông về sự nguy hiểm của các loại bệnh lây truyền từ động vật sang người, từ đó giúp người dân có kiến thức và nâng cao nhận thức trong phòng tránh dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không được phép lơ là

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.