Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không được chậm trễ

Đỗ Quỳnh Chi| 29/01/2023 06:05

(HNM) - Ngày 23-12-2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Mục đích là nhằm phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi đạo luật quan trọng này; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thời gian lấy ý kiến Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 3-1 đến hết 15-3-2023. Như vậy, thời gian chỉ còn chưa đầy 2,5 tháng trong khi khối lượng nội dung lại rất lớn. Vậy nhưng, tại cuộc họp chiều 27-1, do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan về triển khai lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện của Bộ Tài nguyên - Môi trường thông tin, đến nay mới có 2 bộ và 10 tỉnh ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân về nội dung trên. 

Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 quy định rõ: Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm triển khai thực hiện, tức là cần sớm có kế hoạch và triển khai việc lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Việc lấy ý kiến phải khẩn trương, đúng đối tượng, thực chất. Từ đó, Chính phủ xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra trong tháng 5-2023.

Ngoài việc khẩn trương ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân, một vấn đề đáng lưu ý là cần có sự phối hợp giữa cơ quan thẩm định và cơ quan soạn thảo khi lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại địa phương. Cùng với đó là tổ chức các hội thảo chuyên đề, chuyên sâu về chính sách đất đai như: Tài chính đất đai, giá đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; quản lý, sử dụng đất lấn biển, đất sử dụng đa mục đích... Ngoài ra, cũng cần rà soát tính đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật khác liên quan như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở…

Trong quá trình lấy ý kiến tại địa phương, rất cần lưu ý đến sự khác nhau trong chính sách đất đai ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, miền núi phía Bắc. Thông qua đó, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định cần trực tiếp lắng nghe ý kiến từ địa phương, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, nhằm xây dựng chính sách có tính đặc thù, phù hợp cho từng vùng, từng địa phương.

Đặc biệt, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần có kế hoạch đôn đốc, kiểm tra công tác lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại cơ sở để phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở mức cao nhất.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10-2023. Thời gian không còn nhiều, trong khi đây là đạo luật gốc ảnh hưởng đến nhiều luật chuyên ngành khác cũng như đời sống của đại bộ phận nhân dân, do đó việc sớm ban hành kế hoạch, tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và nhân dân là không được chậm trễ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không được chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.