Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không dễ tìm “Điệu nhảy Việt Nam”

An Nhi| 13/01/2017 07:21

(HNM) - Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tiếp tục mở cuộc thi sáng tác “Những điệu nhảy Việt Nam” lần thứ 2, bởi sau cuộc phát động lần đầu vào năm 2009, dù chọn được 8 điệu nhảy và trao giải cho 2 trong số đó. Nhưng xem ra cuộc kiếm tìm này không dễ vì các điệu nhảy được lựa chọn vẫn chưa thực sự đạt được tiêu chí:



Việt Nam là một đất nước có nền văn hóa đa dạng, mỗi vùng miền, thậm chí mỗi dân tộc đều có những điệu nhảy múa riêng. Tìm nét chung trong những điệu múa ấy rồi sáng tạo, biến hóa để thành một điệu nhảy hợp với thời đại ngày nay là mục tiêu của nhiều nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật múa bấy lâu nay. Điệu nhảy đạt yêu cầu phải mang tạo hình đặc trưng của dân tộc Việt Nam, dễ học, dễ nhớ, dễ phổ biến, đơn giản nhưng có thể hấp dẫn mọi đối tượng và phù hợp với sinh hoạt cộng đồng.

Hai điệu nhảy được trao giải của cuộc thi lần đầu vẫn bộc lộ những hạn chế. Một điệu nhảy sáng tác của NSƯT Bằng Thịnh, dựa trên điệu múa dân gian “Trống bồng” của làng Triều Khúc - một trong những điệu múa cổ truyền của đất Thăng Long, nhưng lại thiên về múa nhiều hơn nhảy. Điệu nhảy thứ hai là “Nhịp sống trẻ” của NSƯT Như Bình, kiểu nhảy đôi như tango hay cha cha cha nhưng hai người sẽ đứng song song với nhau thể hiện sự hiện đại, cùng hướng lên phía trước. Tuy nhiên, điệu nhảy này chưa rõ nét đặc trưng của người Việt. Thêm nữa, cả hai điệu nhảy trên đều có những động tác phức tạp, khó để người bình thường bắt nhịp.

Qua thời gian dạy múa cho nhiều khối dưỡng sinh ở Hà Nội, nghệ sĩ Quốc Bình cho rằng, điệu nhảy dễ phổ biến trong cộng đồng chỉ nên gọn nhẹ, từ 1 đến 2 động tác. Cùng quan điểm trên, NGND Trần Quốc Cường còn bày tỏ suy nghĩ rằng động tác ấy phải mang tính đại diện cao, nên tìm trong vốn múa dân gian của các dân tộc, ví dụ như thế đứng trong múa mõ, hay nhịp bước múa xòe...

Một điều cần nhấn mạnh là thay vì tìm điệu nhảy múa như lần trước, lần thứ 2, cuộc thi yêu cầu sáng tác điệu nhảy Việt Nam. Điều này được những nghệ sĩ có kinh nghiệm khẳng định rằng, tiết tấu trong nhảy với những bước đi theo nhạc sẽ dễ phổ biến trong cộng đồng và hấp dẫn nhiều lứa tuổi hơn. Chính nhờ yếu tố này, ngay lập tức, cuộc thi thu hút được sự tham gia của những người trẻ tuổi. Anh Nguyễn Đức Long, Chủ nhiệm CLB Salsa Mouse Nhà Tròn cho biết: “Từ các yếu tố hiện đại của các điệu nhảy quốc tế, tôi đã tạo ra một số điệu nhảy và phổ biến dễ dàng trong cộng đồng. Nhưng đó chưa thể là điệu nhảy Việt Nam vì thiếu âm nhạc đặc trưng. Tìm được âm nhạc khi vang lên là thấy Việt Nam, mà có tiết tấu phù hợp để nhảy, khiến người nghe chỉ muốn đứng lên nhún nhảy thì việc của người sáng tạo điệu nhảy đơn giản hơn rất nhiều”.

Nhiều gợi mở được đưa ra nhưng việc tìm được điệu nhảy đáp ứng được những tiêu chí của cuộc thi không đơn giản. Các nghệ sĩ kỳ cựu trong ngành cũng nhận định, việc sáng tác điệu nhảy này khó hơn sáng tác chuyên nghiệp rất nhiều. Tuy nhiên, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội cũng xác định, đây là việc cần và nên làm. Chỉ cần tìm được điệu nhảy phù hợp nhất, phổ biến trong cộng đồng, có thể thời gian đầu chưa quen, nhưng đến 100 năm nữa nó sẽ trở thành điệu nhảy đặc trưng của đất nước. Cuộc thi huy động đầu tư sáng tạo từ hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội và các đạo diễn, nghệ sĩ biên đạo múa khu vực Hà Nội đến cuối tháng 3. Khoảng đầu tháng 4, Ban tổ chức sẽ chấm sơ khảo, chọn ra 6 điệu xuất sắc hơn. Sau đó, 6 điệu nhảy được đưa về các cơ sở, nhà văn hóa, các trường học, tổ chức Đoàn để tập huấn, thử nghiệm mức độ phù hợp nhằm tìm ra điệu nhảy Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dễ tìm “Điệu nhảy Việt Nam”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.