Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để “tiền mất, tật mang”

Người Quản lý| 14/01/2012 06:34

(HNM) - Thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm, nhưng những chiêu trò mạo danh bác sĩ, lương y để lôi kéo bệnh nhân chữa bệnh, bán thuốc, thực phẩm chức năng vẫn tràn lan trên mạng xã hội, khiến không ít người phải trả giá đắt, trở thành “con mồi” của những đối tượng lừa đảo.

Cam kết điều trị dứt điểm các bệnh mạn tính, lấy tên bác sĩ có uy tín, bệnh viện tuyến trung ương hoặc thuê các “diễn viên” giả làm người bệnh là nông dân, người bán hàng, trí thức, thương gia..., tạo dựng hình ảnh cứ như “người thật, việc thật” để lấy lòng tin, những kẻ bán thuốc, thực phẩm chức năng với công dụng quảng cáo như “thần dược” đã khiến nhiều người “sập bẫy”.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thực trạng đưa thông tin theo hướng thổi phồng công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm chức năng trong hoạt động bán hàng đa cấp đang diễn ra khá phổ biến. Các đối tượng đã sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng hoặc tô vẽ công dụng thực phẩm chức năng từ “kinh nghiệm thực tế” qua những “nhân chứng sống” là người đã từng bị bệnh. Việc lợi dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo không đúng sự thật nhằm bán thuốc, thực phẩm chức năng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Trước thực trạng trên, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã có công văn gửi các đơn vị liên quan để phối hợp trong công tác quản lý về quảng cáo thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe. Đồng thời, Cục tiếp tục đẩy mạnh xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà đặc biệt là xử lý vi phạm quảng cáo trên môi trường mạng xã hội, công khai cơ sở và sản phẩm vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, người dân cần tới cơ sở y tế hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 28-4-2023, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20-6-2023. Trong đó, quy định rõ về việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp không được phép cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; không được nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế đã phát hiện, yêu cầu gỡ khoảng 2.000 quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng vi phạm trên không gian mạng. Luật Quảng cáo cũng quy định rõ: Cấm các hành vi mạo danh người khác, cấm sử dụng hình ảnh y bác sĩ để quảng cáo cho thực phẩm chức năng, thuốc.

Chính vì vậy, thời gian tới, bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, vấn đề quan trọng là cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Từ đó, mỗi người tham gia mạng xã hội sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm, khi phát hiện vi phạm cần báo cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật... Đó chính là những “liều thuốc” hữu hiệu để bảo vệ bản thân và cộng đồng, tránh rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang” khi mua phải thuốc, thực phẩm chức năng chưa được phép lưu hành hoặc bị thổi phồng tác dụng chữa bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để “tiền mất, tật mang”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.