Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để thiếu nguyên liệu đắp nền đường

Minh Điền - An Tôn| 15/02/2023 07:16

(HNM) - Khu vực phía Đông và Tây Nam Bộ đang cùng lúc triển khai nhiều dự án giao thông đường bộ quy mô lớn. Do vậy, việc thiếu nguyên liệu (chủ yếu là cát) đắp nền đường đang là thách thức hàng đầu đối với các địa phương có dự án đang triển khai. Hiện, các cấp, ngành và các tỉnh, thành phố liên quan đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này.

Các cơ quan chức năng sẽ thực hiện nhiều giải pháp để khai thác nguyên liệu đáp ứng nhu cầu đắp nền đường những dự án giao thông phía Nam.

Nhiều dự án thiếu cát

Dự kiến trong tháng 6 tới, các địa phương có tuyến Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh sẽ đồng loạt khởi công. Dự án được đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong tạo động lực kinh tế cho vùng Đông Nam Bộ. Theo tính toán của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, 76km đường của dự án sẽ cần tới hơn 1,6 triệu m3 đất đắp nền đường; hơn 7,2 triệu m3 cát đắp nền đường; gần 1,5 triệu m3 cát xây dựng... Tuy nhiên, cát xây dựng cho dự án này đang rất thiếu, hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu (tỉnh Bình Dương cam kết cung ứng 30%, tỉnh Đồng Nai cung ứng 40%). Số còn lại dự kiến khai thác tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và An Giang, nhưng An Giang đang muốn giữ nguồn cát phục vụ các dự án của địa phương.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng thông tin, tình trạng tương tự cũng đang diễn ra với nguồn cát đắp nền, bởi nguồn vật liệu phù hợp khai thác tại các tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long chỉ đáp ứng 50% nhu cầu. Số còn lại dự kiến khai thác ở các tỉnh Đồng Tháp và An Giang, nhưng 2 địa phương này cũng muốn giữ cát để đáp ứng nhu cầu của các dự án đường bộ trên địa bàn.

Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở các tỉnh, thành phố miền Tây, nơi sẽ triển khai 4 dự án đường cao tốc trục dọc và trục ngang với nhu cầu dự kiến cần gần 47 triệu m3 cát đắp đường. Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ Giao thông - Vận tải), 2 dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau cần khoảng 18,5 triệu tấn cát đắp nền đường, trong đó, ngay trong năm 2023 cần gần 12 triệu m3. Tuy nhiên, hiện chỉ có tỉnh An Giang cam kết tăng 50% công suất khai thác từ các mỏ và cung ứng khoảng 1,1 triệu m3 cát, các địa phương khác chưa có kế hoạch.

Ngoài ra, theo Tiến sĩ Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế tài nguyên và môi trường thành phố Hồ Chí Minh, việc tăng khai thác cát còn có nguy cơ gây thay đổi dòng chảy, sạt lở bờ sông nếu không có phương án kỹ thuật và quy mô, lộ trình phù hợp. Vì vậy, một số địa phương có vùng nguyên liệu cũng e ngại khi tăng khai thác.

Triển khai nhiều giải pháp

Để khắc phục tình trạng trên, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết cho phép các địa phương được chủ động nâng công suất các mỏ vật liệu xây dựng đang khai thác lên thêm tối đa 50% công suất đã được phê duyệt; tối thiểu thủ tục khai thác vật liệu xây dựng để làm đường trong vùng khoáng sản đã quy hoạch… nhằm tăng nhanh nguồn cung nguyên vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên thông tin, chính sách đặc thù này chỉ áp dụng trong các năm 2022, 2023 để đáp ứng nhu cầu cấp bách cho 11 dự án giao thông trong tổng dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông. Đây là quyết sách quan trọng tháo gỡ khó khăn, vì theo quy định trước đây, việc mở mới mỏ cát phải qua nhiều khâu thẩm định, thời gian hoàn thành kéo dài 6 tháng đến 2 năm.

Nhận xét về “điểm mở” của các nghị quyết nêu trên, Tiến sĩ Phạm Viết Thuận cho biết: “Với chính sách này, các địa phương quanh thành phố Hồ Chí Minh trong bán kính 70km có thể đáp ứng tốt nhu cầu vật liệu cho dự án đường Vành đai 3. Về quản lý, các địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chức năng giám sát để các nhà thầu khai thác cát chỉ cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án theo quy định”.

Về lâu dài, các bộ, ngành trung ương và nhiều địa phương phía Nam đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá việc dùng cát biển làm vật liệu đắp nền đường. Theo tính toán, lượng cát biển ở Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp làm nền đường có trữ lượng lên tới 15 tỷ m3, đáp ứng tốt nhu cầu xây dựng trong vùng.

Tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là nơi có trữ lượng lớn cát biển lên đến hàng tỷ mét khối, phù hợp để khai thác làm vật liệu đắp nền đường. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng Ngô Thế Chân cho biết, tỉnh đã phối hợp với các bộ, ngành khai thác và sử dụng thử nghiệm 3.000m3 cát biển để làm nền đường, bước đầu đạt kết quả tốt.

Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lập và triển khai dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Dự kiến đến tháng 8-2023 sẽ có kết quả đánh giá; tháng 12-2023 sẽ có số liệu trữ lượng khai thác cát biển ven bờ với độ sâu dưới 10m nước để có thể khai thác ngay 400 triệu m3 cát biển, đáp ứng nhu cầu đắp nền đường cho các dự án cao tốc phía Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để thiếu nguyên liệu đắp nền đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.