(HNM) - Khoảng một tháng nữa, Hà Nội sẽ bước vào thời kỳ cao điểm của mùa mưa, bão năm 2020. Tuy nhiên, trên tuyến đê sông Đáy còn một số sự cố, hư hỏng nghiêm trọng, qua thời gian dài chưa được xử lý, khắc phục. Người dân lo lắng đặt câu hỏi: Phải chăng những đoạn đê đó đã bị "lãng quên"?
Hai sự cố, hư hỏng nghiêm trọng
Tuyến đê sông Đáy không chỉ giữ vai trò quan trọng trong phòng, chống lũ nội tại mà còn làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khi phân lũ từ sông Hồng vào sông Đáy. Do vậy, Bộ NN&PTNT, thành phố Hà Nội đã dành nguồn lực lớn để đầu tư, và đến nay, tuyến đê đã bảo đảm cao trình chống lũ theo thiết kế... Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 năm 2019, trên tuyến đê sông Đáy đã xảy ra 2 sự cố, hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể, tại đoạn đi qua địa bàn xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai), mái đê bị sạt dài khoảng 30m, cung sạt sâu 1-3m so với mặt đê. Theo đánh giá của Chi cục Đê điều và Phòng, chống lụt bão Hà Nội thì sự cố này ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn của tuyến đê.
Tiếp xúc với phóng viên Báo Hànộimới sáng 30-5, bà Nguyễn Thị Ky, ở xã Yên Sơn (huyện Quốc Oai) cho biết: “Đoạn đê này bị sạt lở từ tháng 8-2019 và đến nay vẫn có dấu hiệu tiếp tục mở rộng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thấy cơ quan chức năng sửa chữa, khắc phục. Mùa mưa đang đến gần, nếu không may xảy ra lũ lớn đột ngột thì việc ứng phó sẽ rất khó khăn... Phải chăng do đã nhiều năm lũ không về nên cơ quan chức năng "lãng quên" việc này (!?)”…
Cũng trên tuyến đê sông Đáy, đoạn qua xã Đồng Tiến (huyện Ứng Hòa), mái đê tả Đáy bị sạt dài khoảng 100m, đỉnh cung sạt sát mặt đường bê tông, đe dọa an toàn của đê điều, giao thông... Ông Nguyễn Văn Tín, người dân xã Đồng Tiến lo lắng nói: “Sự cố sạt lở này đã xảy ra từ mùa mưa năm 2018. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND xã Đồng Tiến và huyện Ứng Hòa để gia cố lại đoạn đê, nhưng gần 2 năm trôi qua mà chưa thấy cơ quan nào tới khắc phục sự cố...”.
Trao đổi về vấn đề trên, cơ quan chức năng của các huyện Quốc Oai, Ứng Hòa cho biết, khi xảy ra sự cố, địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục ngay từ giờ đầu; đồng thời, luôn có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra, bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực sạt lở... Tuy nhiên, do tuyến đê thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội quản lý nên việc gia cố, bảo đảm vững chắc đoạn đê không thuộc thẩm quyền của địa phương. Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết: “Huyện đã có nhiều văn bản đề nghị Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng công trình khắc phục sự cố, nhưng không hiểu vì sao đến nay sự cố này vẫn chưa được khắc phục...”.
Chậm xử lý...
Trước thực trạng của những đoạn đê nêu trên, hiện tại, UBND thành phố Hà Nội đã công bố tình trạng khẩn cấp sự cố sạt lở đê điều trên địa bàn. Huyện Quốc Oai, Ứng Hòa đã chuẩn bị mặt bằng, sẵn sàng bàn giao cho các đơn vị thi công công trình khắc phục sự cố…
Về lý do của những đoạn đê chưa được đầu tư, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đặng Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã giao các đơn vị chuyên môn lập dự án xây dựng công trình khắc phục sự cố. Tuy nhiên, do các quy định của pháp luật hiện hành rất chặt chẽ nên các cơ quan chức năng của Hà Nội phải thực hiện nhiều thủ tục và mất rất nhiều thời gian mới hoàn thành được hồ sơ dự án... “Để thực hiện dự án xử lý sự cố đê điều có giá trị khái toán từ 3 tỷ đồng trở lên, Sở NN&PTNT Hà Nội cần ít nhất 9 tháng mới hoàn thành các thủ tục đầu tư, thậm chí có dự án cần thời gian đến hơn một năm...”, ông Đặng Anh Tuấn giải thích.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin: “Hiện nay, Sở đã giao các đơn vị gấp rút hoàn thành thủ tục khắc phục sự cố theo hình thức khẩn cấp; đồng thời, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai các dự án, bảo đảm hoàn thành công tác khắc phục các sự cố nêu trên trước khi Hà Nội bước vào cao điểm mùa mưa, lũ năm 2020... Cùng với nhiệm vụ trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy trình đầu tư, xử lý các sự cố đê điều theo hướng nhanh chóng, bảo đảm hiệu quả đầu tư...”.
Mùa mưa bão đang đến gần, những đoạn đê bị sự cố nêu trên vẫn nằm trong kế hoạch được đầu tư. Song, để chạy đua với thời gian của mùa mưa, bão đề nghị các cơ quan chức năng cần chủ động rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, khắc phục các sự cố đê điều.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.