(HNM) - HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức giám sát tại một số sở, địa phương, doanh nghiệp về thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của thành phố. Kết quả giám sát sơ bộ cho thấy, tình trạng lãng phí nguồn lực, quản lý, kinh doanh kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau đã và đang diễn ra.
Trong đó, Sở Xây dựng được giao quản lý nhà nước đối với các loại quỹ nhà (nhà công vụ, diện tích kinh doanh dịch vụ tầng 1 tại các nhà chung cư tái định cư, nhà chuyên dùng…) với nhiều địa điểm và diện tích sử dụng lên đến hàng trăm nghìn mét vuông. Thời gian qua, dù đã có nhiều cố gắng trong quản lý nhà nước nhưng qua giám sát cho thấy, công tác rà soát, hướng dẫn, ban hành các văn bản để thống nhất trên địa bàn chưa được Sở chỉ đạo, tham mưu UBND thành phố kịp thời, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2020 đến nay (sau khi các nghị định về quản lý nhà ở, tài sản công được ban hành, sửa đổi) dẫn đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách chung còn nhiều vướng mắc. Nổi bật là có đến 357/803 điểm, chiếm khoảng 47% điểm nhà chuyên dùng cho các đơn vị thuê nhưng quá hạn hợp đồng đã lâu mà chưa được ký lại hoặc gia hạn, đơn vị sử dụng tự ý cho thuê trái với hợp đồng ban đầu, không thu được tiền cho thuê…
Hay tại Công ty TNHH một thành viên Điện ảnh Hà Nội được thành phố giao quản lý đất ở 3 địa điểm, 2 cơ sở nhà đất là thuê của Nhà nước, đều nằm ở vị trí “đất vàng”, nhưng hoạt động kinh doanh không hiệu quả, nợ tiền thuê nhà, đất hơn 70 tỷ đồng. Đặc biệt, hai địa điểm: Số 88 Lò Đúc và số 437 Bạch Mai được giao thực hiện các dịch vụ văn hóa nhưng đều sử dụng không đúng mục đích. Tại Công ty TNHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, có đến 3.995/10.000 hộ (chiếm khoảng 40%) chưa ký lại được hợp đồng thuê nhà. Trong khi đó tại quận Thanh Xuân hiện có 8 nhà văn hóa cấp phường chưa được đưa vào danh mục quản lý...
Rõ ràng, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn thì những “lỗ hổng” trên không thể để kéo dài. Do đó, việc ưu tiên cần làm hiện nay là Sở Xây dựng và các đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục tập trung rà soát, làm rõ nguyên nhân chủ quan, rõ địa chỉ, trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức để xảy ra tình trạng vi phạm của các địa điểm, khu nhà quản lý. Qua đó phân loại từng nhóm đối tượng vướng mắc, vi phạm cụ thể; đề xuất những bất cập trong chính sách (nếu có) để có biện pháp, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm.
Sở Xây dựng, Sở Tài chính sớm đề xuất các chế tài, biện pháp xử lý để giải quyết các trường hợp chây ỳ nợ tiền thuê nhà, sử dụng sai mục đích, vi phạm trong quá trình sử dụng quỹ nhà nhà nước.
Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là đẩy nhanh công tác bán nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, sở hữu nhà ở... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, việc chậm trễ xác định giá bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước đã và đang gây lãng phí cho việc sử dụng tài sản nhà nước ở thành phố. Đặc biệt, cần rà soát các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sắp xếp để có biện pháp quản lý đúng quy định về tài sản công, pháp luật về đất đai và quy định khác có liên quan như: Thu hồi, bán đấu giá tài sản trên đất...
Nếu nguồn lực từ quỹ nhà, đất công được sử dụng đúng mục đích sẽ mang lại giá trị rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.