Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để kiến nghị của Mặt trận chỉ là kênh tham khảo

Hà Phong| 13/11/2014 05:59

(HNM) - Trong bối cảnh hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của MTTQ chưa như kỳ vọng thì giải pháp để Mặt trận tích cực thực hiện công tác này hơn nữa là vấn đề được đặt ra.



Thảo luận tại hội trường về dự án Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) ngày 12-11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) yêu cầu, người được chọn làm công tác Mặt trận phải có bản lĩnh, không được thụ động, không chờ được mời tham gia giám sát; cơ chế giám sát cũng phải cụ thể hơn nữa.

Hiệu quả công tác giám sát, phản biện của MTTQ sẽ có tác động tích cực đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Huy Hùng


Chủ động phản biện

Những diễn biến về công tác giám sát, phản biện của Mặt trận thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, một số ý kiến ĐBQH nhận định, nhiều trường hợp Mặt trận chỉ là khách mời chứ không phải chủ thể, không phải với tư cách, vị thế là nền tảng chính trị của chính quyền nhân dân và càng không có quyền độc lập giám sát.

Theo ĐB Huỳnh Văn Thiện (Đoàn TP Hồ Chí Minh): "Cần quy định Mặt trận giám sát Đảng và đảng viên, phản biện cả chính sách của Đảng". ĐB Lưu Thị Huyền (Đoàn Ninh Bình) cũng bày tỏ thái độ không đồng tình trước việc luật thiếu quy định hướng dẫn để việc giám sát được thực thi một cách phù hợp, khoa học và mang tính xây dựng.

Là cán bộ làm công tác Mặt trận lâu năm, ĐB Trần Khắc Tâm (Đoàn Sóc Trăng) nêu quan điểm, quy định về hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận trong dự thảo sửa đổi tuy có bước tiến so với luật hiện hành nhưng lại "chỉ làm khi có yêu cầu" thì khó có sự đột phá. ĐB Trần Khắc Tâm cho biết, thời gian qua dù đã có văn bản quy định của Đảng về hai nội dung giám sát, phản biện song hoạt động này ở các cấp vẫn rất khó khăn vì thiếu hành lang pháp lý triển khai.

Nhiều ý kiến cho rằng, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thời gian qua tổ chức được một số chủ đề giám sát có trọng tâm, trọng điểm, gây được tiếng vang, còn ở địa phương thì muốn giám sát và phản biện xã hội cho "ra môn ra khoai" không đơn giản vì không biết sẽ phối hợp với ai. Để tránh hiện tượng giám sát, phản biện của Mặt trận phải có sự đồng thuận của các cơ quan nhà nước mới "trôi chảy", ĐB Trần Khắc Tâm kiến nghị lược bỏ bớt cơ chế làm giảm tính chủ động của Mặt trận. Có như vậy, Mặt trận mới có công cụ, cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ được giao, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân.

Thiếu và yếu

Không chỉ dừng lại ở việc làm thế nào để hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận bớt hình thức, ĐB Ma Thị Thúy (Đoàn Tuyên Quang) còn cho rằng, vấn đề phản biện xã hội đã được Bộ Chính trị ra quyết định và Hiến pháp mới quy định, nhưng không chỉ cơ chế phối hợp mà cả cơ chế thực hiện phản biện xã hội còn thiếu và yếu. Khoản 1, Điều 26 của dự án luật khẳng định: "Giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước..." nhưng đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức giám sát của Mặt trận (Điều 27 và Điều 28) không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước. "Các hình thức giám sát khác phù hợp với quy định của pháp luật" (khoản 5, Điều 28) cũng chưa rõ ràng. "Vì luật quy định về hoạt động giám sát của Mặt trận nên cần phải nêu cụ thể các hình thức giám sát để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do Mặt trận thực hiện" - ĐB Ma Thị Thúy đề nghị.

Các ý kiến phát biểu cũng cho rằng, không nên chỉ giới hạn phản biện đối với dự thảo văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước như quy định tại dự thảo luật mà phản biện cả những văn bản pháp luật, chương trình, dự án, đề án đã được ban hành, phê duyệt. Bởi cuộc sống luôn biến động, chính trong quá trình tổ chức thực hiện các văn bản, chương trình, dự án này mới bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để các chính sách đi vào đời sống hơn nữa.

Về hình thức tổ chức phản biện, ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) kiến nghị, quy định cụ thể hình thức phản biện xã hội chứ không chỉ có tổ chức hội nghị phản biện và gửi văn bản lấy ý kiến và "các hình thức khác phù hợp với quy định của pháp luật" rất chung chung như Ban soạn thảo đề xuất. Phương án triển khai cũng phải đa dạng, có thể là tham vấn, diễn đàn, hộp thư, tổ chức cuộc thi phản biện để người dân ở cơ sở có điều kiện cùng tham gia, góp thêm thông tin, thậm chí là phản biện qua internet. Việc xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo văn bản bị phản biện xã hội đối với kiến nghị sau phản biện cũng phải tiến hành song song. Nếu không, các kiến nghị của Mặt trận cũng chỉ là một kênh tham khảo.

Và việc cuối cùng phải lưu tâm là công tác cán bộ. Nhiều người quan niệm những người không bổ nhiệm được vào đâu thì đưa về làm Mặt trận là hoàn toàn sai lầm. Trong bối cảnh công tác giám sát, phản biện ngày càng được chú trọng, yêu cầu phải làm bài bản, cán bộ làm công tác Mặt trận phải không những cần có tài, có tâm mà còn cần tích cực chủ động, không ngại va chạm mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để kiến nghị của Mặt trận chỉ là kênh tham khảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.