(HNM) - Không ít cấp ủy thường chú trọng đến công tác kiểm tra tổ chức Đảng (TCĐ), đảng viên mà xem nhẹ công tác giám sát. Từ kết quả giám sát chuyên đề 6 tháng đầu năm 2012, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Thành ủy Hà Nội khẳng định, nếu làm tốt công tác này một cách thường xuyên sẽ có tác dụng rất lớn trong việc ngăn ngừa sai phạm.
Ngăn ngừa sai phạm
Theo hướng dẫn của UBKT TƯ, giám sát chuyên đề chưa phải là nhiệm vụ trọng tâm năm nay, nhưng với đặc thù của Hà Nội, Thành ủy xác định đây là nhiệm vụ cần tập trung thực hiện. Chủ nhiệm UBKT Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Quang cho biết, cùng với việc kiểm tra về xây dựng nông thôn mới, trong 6 tháng đầu năm 2012, Huyện ủy đã thành lập hai tổ công tác giám sát chuyên đề đối với Đảng ủy xã Mễ Trì về công tác lãnh đạo quản lý đất đai, trật tự xây dựng và Đảng ủy xã Mỹ Đình về việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quản lý đầu tư, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Qua giám sát, tổ công tác đã phát hiện và chỉ ra nhiều thiếu sót, hạn chế. Hai đảng ủy này đã khắc phục, quan tâm hơn đến giải quyết đơn thư liên quan tới đất đai, trật tự xây dựng. Ngoài ra, UBKT Huyện ủy còn giám sát hai đảng ủy khác về thực hiện lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng; giám sát một bí thư và một phó bí thư trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao. Theo ông Nguyễn Văn Quang, tác dụng lớn nhất của công tác giám sát là giúp TCĐ, đảng viên thấy được những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý để điều chỉnh, ngăn chặn, phòng ngừa các sai phạm, không để "cái sảy nảy cái ung", vừa mất cán bộ, vừa làm tình hình cơ sở trở nên phức tạp.
Quận ủy Long Biên cũng tiến hành hai cuộc giám sát đột xuất đối với một hiệu trưởng trường học và một cấp ủy viên, phát hiện nhiều thiếu sót và yêu cầu khắc phục. Theo lãnh đạo Quận ủy, nếu không giám sát đột xuất, chắc chắn hai đảng viên này không nhận thức được thiếu sót của mình để sửa chữa. Bên cạnh đó, Quận ủy Long Biên còn tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề về cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng… Thống kê trong 6 tháng, toàn đảng bộ TP đã giám sát 2.815 lượt đảng viên về việc thực hiện tiêu chuẩn cấp ủy viên, chức trách, nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, chấp hành quy định những điều đảng viên không được làm. Qua đó phát hiện 4 trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Giám sát 709 TCĐ, phát hiện một TCĐ có dấu hiệu vi phạm.
Cần tăng tính chủ động của cơ sở
Giám sát không phải để phát hiện, xử lý kỷ luật được bao nhiêu đảng viên, TCĐ vi phạm mà quan trọng là động viên, khích lệ sự năng động, sáng tạo, giúp cấp ủy, đảng viên tự nhìn nhận ra thiếu sót, khuyết điểm để lãnh đạo, quản lý hiệu quả hơn.
Nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, nhất là ở cơ sở phải chủ động giám sát, nắm tình hình, phát hiện, sàng lọc và cung cấp thông tin kịp thời cho cấp ủy khắc phục những lỗ hổng trong quản lý. Nhưng trên thực tế, không ít đơn vị thiếu sâu sát cơ sở, thiếu chủ động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Đơn cử như việc xây dựng công trình nhà ở kết hợp văn phòng và bảo tàng tại địa chỉ 55A-55B Bà Triệu có sai phạm nhưng UBKT Quận ủy Hoàn Kiếm và phường sở tại thiếu chủ động trong công tác nắm tình hình, phát hiện sai phạm để tham mưu cho cấp ủy giải quyết kịp thời. Tương tự, công trình 6 tầng xây dựng không phép tại xã Phù Linh (Sóc Sơn) cũng không được UBKT Huyện ủy và cơ sở phát hiện đúng lúc… Công tác quản lý đảng viên ở cơ sở cũng cho thấy sự lỏng lẻo, rất ít sai phạm của đảng viên được phát hiện kịp thời. Đây là vấn đề đặt ra cần được khắc phục, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".
Lý giải cho những hạn chế, yếu kém trên, nhiều ý kiến cho rằng một là do "căn bệnh" nể nang, né tránh còn tồn tại, chưa được khắc phục, hai là do trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra ở cơ sở còn hạn chế. Cả hai nhận định này đều có cơ sở, bởi trên thực tế đã có quyết định xử lý kỷ luật đảng viên của cấp dưới sau khi gửi lên, UBKT Thành ủy phải xem xét, quyết định lại vì khâu thu thập tài liệu, đánh giá của cán bộ cơ sở chưa đầy đủ. Vì vậy, để kiểm tra, giám sát có hiệu quả đối với các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực đòi hỏi ngành kiểm tra cần đặc biệt coi trọng công tác xây dựng ngành; đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kiến thức toàn diện cho đội ngũ cán bộ kiểm tra. Một điều cần chú trọng hơn nữa là đánh giá đúng vai trò, tăng cường, nâng cao chất lượng công tác giám sát giúp cho các cấp ủy và đảng viên kịp thời thấy rõ thiếu sót, cũng như nhân rộng những điển hình tốt trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.