(HNM) - Để giảm thiểu những bất tiện khi sử dụng máy ATM, ngay từ những tháng cuối năm 2019, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch chuẩn bị đủ tiền mặt, bảo đảm giao dịch ATM thông suốt, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán 2020.
Cung ứng đủ tiền mặt
Tại Chỉ thị số 33/CT-TTg, ngày 19-12-2019 về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, một trong những nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là cung ứng đủ tiền mặt, bảo đảm các hệ thống thanh toán hoạt động ổn định, thông suốt.
Thông tin về nhiệm vụ này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ tiền mặt cho lưu thông, với giá trị và cơ cấu các mệnh giá tiền hợp lý. Trong đó, với hệ thống ATM, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời, có các biện pháp phù hợp nhằm giảm tải cho ATM, bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, ổn định và an toàn.
Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đáp ứng nhu cầu lưu thông khoảng 430.000 tỷ đồng cho dịp Tết Nguyên đán 2020. Như vậy, lượng tiền mặt lưu thông dự kiến sẽ tăng khoảng 15% so với Tết Nguyên đán 2019. Tính đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã điều hòa nhu cầu cho tất cả các tỉnh, thành phố với hơn 260.000 tỷ đồng.
Rút kinh nghiệm thực tiễn những năm qua, ngay khi hết quý III-2019, nhiều ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch và triển khai những giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng kịp thời lượng tiền mặt cũng như hoạt động thông suốt của hệ thống ATM trong dịp Tết. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)... cũng như các ngân hàng khác đều đã xây dựng kế hoạch tiếp quỹ cho ATM, bố trí tổ tiếp quỹ dự phòng. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, ngân hàng đã đề nghị các doanh nghiệp lớn cung cấp trước thông tin thời điểm chi trả lương, thưởng Tết để ngân hàng chủ động phục vụ tốt nhất.
Tương tự, theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, toàn hệ thống ngân hàng đã chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết; đồng thời tổ chức trực, sẵn sàng xử lý sự cố phát sinh, bảo đảm cho hệ thống ATM thông suốt.
Là ngân hàng có hệ thống ATM nhiều và khá hiện đại, bà Nguyễn Thu Trang, Hội sở Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) thông tin, Techcombank đã triển khai bảo trì và thay thế thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng Tết. Ngoài ra, ngân hàng trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM, nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường. “Nếu như ngày thường, việc tiếp quỹ đến các máy ATM thường chỉ một lần/ngày, thì riêng thời kỳ cao điểm trước Tết Nguyên đán, tại những khu vực tập trung nhiều nhà máy, doanh nghiệp, với lượng người lao động đông, ngân hàng sẽ tăng cường xe tiếp quỹ nhiều lần trong ngày tùy thuộc vào nhu cầu của từng địa điểm”, bà Nguyễn Thu Trang cho biết.
Hệ thống ATM có thông suốt?
Trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các khu công nghiệp đến thời điểm này chưa có tình trạng nghẽn mạng hay quá tải tại máy ATM, bởi đây chưa phải là cao điểm chi trả lương, thưởng Tết Nguyên đán. Theo chị Lưu Thị Hòa (quê huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc), công nhân tại Khu công nghiệp Mê Linh, Hà Nội, thông thường thời điểm sát Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp bắt đầu chi trả lương, số lượng công nhân rút tiền tại các máy ATM sẽ rất lớn. “Năm ngoái, thời điểm cách Tết Nguyên đán khoảng 10 ngày, công nhân phải xếp hàng dài để chờ rút tiền. Tôi hy vọng năm nay tình trạng này sẽ được khắc phục", chị Lưu Thị Hòa chia sẻ.
Còn anh Nguyễn Phương Duy (quê huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) cũng là công nhân Khu công nghiệp Mê Linh, kể: “Tôi đã tính chọn thời điểm có ít người rút tiền để tránh phải xếp hàng, nhưng thường lúc đó ATM lại hết tiền, hoặc báo lỗi không thể thực hiện giao dịch”.
Tuy khẳng định nỗ lực cao nhất trong việc cung ứng tiền mặt, hạn chế quả tải ATM, song nhiều ngân hàng cũng thừa nhận, tình trạng phải chờ đợi, xếp hàng rút tiền tại một số khu công nghiệp là khó tránh khỏi, do lượng người tập trung vào một thời điểm. “Trong trường hợp cần chuyển, rút tiền..., chủ thẻ nên chọn các khu vực đặt nhiều máy ATM, hoặc các máy ATM đặt tại trụ sở, phòng giao dịch của các ngân hàng, bởi nếu xảy ra sự cố kỹ thuật, hay ATM hết tiền thì việc tiếp quỹ sẽ được xử lý nhanh hơn. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể lựa chọn nhiều hình thức thanh toán trực tuyến mà không nhất thiết phải rút tiền mặt”, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ.
Thực tế những năm qua, sự phát triển đa dạng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang là cách tránh tình trạng quá tải ATM dịp Tết. Bà Triệu Phương Trang (số 70 Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm) cho biết, thay vì ra máy ATM rút tiền mặt, bà thường xuyên mua hàng hóa trên mạng và thanh toán bằng việc chuyển khoản. Ngoài ra, khi mua sắm tại nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại hay siêu thị cũng có thể sử dụng thẻ ATM để thanh toán trực tiếp, nên không cần sử dụng tiền mặt...
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại tình trạng nghẽn mạng khi lựa chọn phương thức chuyển tiền trực tuyến trên máy tính hoặc điện thoại thông minh, cũng như nguy cơ bị lừa đảo khi giao dịch trực tuyến. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cho rằng, các ngân hàng luôn tăng cường bảo mật, song người dùng vẫn cần cảnh giác... Khi rút tiền tại máy ATM hay chuyển khoản trực tuyến, người dân cần thực hiện đúng yêu cầu về bảo mật, như thường xuyên thay đổi mật khẩu, chọn rút tiền ở những khu vực an toàn, đông người qua lại; chọn mua sắm trực tuyến tại các trang web uy tín, để tránh bị đánh cắp tài khoản khi thực hiện giao dịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.