(HNM) - Nông nghiệp hiện đang là ngành mũi nhọn của nền kinh tế nước nhà, song khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, nhiều lĩnh vực chưa khai thác được hết tiềm năng.
Chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu
Theo Bộ NN&PTNT, dự báo vốn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 239.400 tỷ đồng và lên 480.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, với nguồn vốn dự kiến trong giai đoạn 2016-2020 tuy gấp đôi giai đoạn 2011-2015 song chỉ đáp ứng được trên 60% so với nhu cầu đầu tư. Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, Bộ sẽ điều chỉnh vốn theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư thông qua Bộ và tăng phân cấp cho các địa phương. Tuy nhiên, muốn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn phải nâng cao hiệu quả đầu tư công; huy động tối đa nguồn lực xã hội, đầu tư tư nhân vào nông nghiệp, nông thôn; tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài ngân sách trong tổng vốn đầu tư của ngành. Nguyên tắc đổi mới là lấy hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường làm mục tiêu ưu tiên lựa chọn dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và phân bổ vốn hằng năm.
Cần nâng cao hiệu quả đầu tư công trong nông nghiệp, chú trọng đến hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Ảnh: Phương Thảo |
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong từng ngành, lĩnh vực, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh các ưu tiên đầu tư công theo định hướng tái cơ cấu ngành. Nguồn vốn sẽ được phân bổ trên cơ sở lựa chọn danh mục dự án ưu tiên đầu tư. Lựa chọn các dự án đầu tư trên cơ sở tiêu chí có tính chất định lượng để sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên đầu tư trung hạn và hằng năm.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, tiêu chí lựa chọn đầu tư sẽ bám sát định hướng điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo từng ngành, lĩnh vực; đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của dự án như lợi nhuận kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, tác động môi trường… Ngoài ra, dự án đầu tư cũng phải lồng ghép các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Để nguồn vốn được đầu tư trúng và đúng, Bộ sẽ quản lý chặt chẽ quy trình thẩm định, phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư như xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương, tổ chức thẩm định bao gồm cả thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính. Đồng thời, chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan lập, thẩm định, trình duyệt dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư. Kiên quyết không phê duyệt dự án đầu tư khi chưa chỉ rõ được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện.
Đổi mới đầu tư trên từng lĩnh vực
Theo định hướng đổi mới đầu tư nông nghiệp, tỷ trọng đầu tư tăng từ 5,6% giai đoạn 2006-2010 lên 8,6% giai đoạn 2011-2015 và 9,8% giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ưu tiên các chương trình, dự án phát triển giống cây, con; quản lý dịch bệnh, an toàn thực phẩm; công nghệ sau thu hoạch. Đối với lâm nghiệp, tỷ trọng đầu tư tăng từ 3,4% giai đoạn 2006-2010 lên 3,5% giai đoạn 2011-2015 và lên 5,7% giai đoạn 2016-2020. Ưu tiên đầu tư các dự án giống cây lâm nghiệp phục vụ tái trồng rừng kinh tế, nâng cao năng lực lực lượng kiểm lâm, phòng chống cháy, chữa cháy rừng. Lĩnh vực thủy lợi đầu tư giảm từ 81,4% giai đoạn 2006-2010 xuống còn 79,1% giai đoạn 2011-2015 và còn 68% giai đoạn 2016-2020. Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Nâng cấp các hệ thống thủy lợi liên tỉnh, bảo đảm an toàn hồ chứa lớn, các hồ chứa mà vùng hạ du đập có dân cư tập trung, công trình hạ tầng quan trọng. Đặc biệt ưu tiên đầu tư thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tưới cây công nghiệp. Lĩnh vực khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, tỷ trọng đầu tư tăng từ 2,1% giai đoạn 2011-2015 lên 5,5% giai đoạn 2016-2020, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư cho các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo nhân lực. Cùng với sự điều chỉnh đầu tư theo từng lĩnh vực, ngành nông nghiệp cũng điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo vùng theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư cho các vùng có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa như vùng Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nên nguồn vốn đầu tư cũng phải tập trung vào mục tiêu đó. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, ngoài việc quản lý, phân bổ đúng mục tiêu, hiệu quả, Bộ cũng sẽ phân cấp quản lý đầu tư, phân định rõ trách nhiệm đầu tư công giữa Bộ và các địa phương. Theo định hướng chung, các địa phương chịu trách nhiệm về huy động các nguồn lực và quản lý chi tiêu công (bao gồm cả nguồn vốn của địa phương và nguồn hỗ trợ của trung ương theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu), thực hiện các dự án quy mô nhỏ trên địa bàn. Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm quản lý các dự án quy mô lớn, các dự án cấp vùng, liên vùng, quốc gia và các dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp. Ngoài nguồn vốn từ Chính phủ và trái phiếu, ngành nông nghiệp cũng cần sự tham gia đầu tư hơn nữa của các doanh nghiệp thông qua các mô hình sản xuất theo chuỗi để sản phẩm bảo đảm chất lượng, cân đối được nguồn cung - cầu và tránh tình trạng "được mùa mất giá" vẫn tồn tại lâu nay trong ngành nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.