Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không đánh đổi vì tăng trưởng

Kim Nhuệ| 26/10/2015 06:16

(HNM) - Mặc dù Bộ NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp vẫn xảy ra.

Trong giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp tiếp tục nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của bảo vệ môi trường với cách tiếp cận mới là tập trung phát triển nông nghiệp có chất lượng nhưng phải bền vững.


Ô nhiễm vẫn ở mức báo động

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giai đoạn 2011-2015 ở nhiều địa phương còn tình trạng sử dụng phân bón không hợp lý về chủng loại, liều lượng, thời gian bón, phương thức bón gây tác động tiêu cực đến môi trường. Việc lạm dụng phân bón vô cơ đã khiến đất đai bị bạc màu, khó giữ nước, cạn kiệt dinh dưỡng, giảm năng suất cây trồng. Mỗi năm cả nước sử dụng bình quân khoảng 2,4 triệu tấn phân bón vô cơ các loại, đồng thời thải ra khoảng 240 tấn bao bì, vỏ hộp, phần lớn bị vứt bừa bãi ra đồng ruộng, kênh mương gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có xu hướng tăng và thiếu kiểm soát. Theo Cục Bảo vệ thực vật, mỗi năm Việt Nam nhập 70-116 nghìn tấn thành phẩm hóa chất bảo vệ thực vật; thải bỏ hàng nghìn tấn vỏ bao. Lượng vỏ bao không được thu gom đã gây ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm, không khí, ảnh hưởng tiêu cực hệ sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng. Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2014, ước khối lượng chất thải rắn của vật nuôi là 82,27 triệu tấn, trong khi chỉ có 60% số chất này được xử lý, còn lại thường được xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, cả nước vẫn còn 34.642 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý. Chủ các cơ sở giết mổ này chạy theo lợi ích trước mắt nên không đưa động vật vào khu giết mổ tập trung. Điều kiện cơ sở vật chất ở các điểm giết mổ nhỏ lẻ cũng chưa bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường…

Không hy sinh môi trường để phát triển nông nghiệp

Khắc phục tình trạng ô nhiễm, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, vì sức khỏe cộng đồng và thân thiện môi trường, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng mô hình thâm canh lúa cải tiến (SRI); "3 giảm - 3 tăng" (giảm giống, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật - tăng năng suất, tăng chất lượng, tăng lợi nhuận) và "1 phải - 6 giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận, giảm lượng nước vừa đủ, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm lượng giống gieo sạ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón, giảm phát thải khí nhà kính). Các mô hình trên đã mang lại hiệu quả cao về năng suất cũng như bảo vệ môi trường, đang được hàng triệu nông dân áp dụng sản xuất. Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã rà soát, sửa đổi, đề xuất cơ chế, chính sách để ngăn chặn việc nhập lậu, buôn bán trái phép các loại thuốc ngoài danh mục, không được phép sử dụng tại Việt Nam; xây dựng đề án tổ chức dịch vụ bảo vệ thực vật ở cơ sở để nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc; hướng dẫn thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón…

Trong lĩnh vực chăn nuôi - thú y, Cục Chăn nuôi cũng cho biết sẽ tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện môi trường tại cơ sở chăn nuôi; rà soát, bổ sung, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ xử lý chất thải cho từng loại vật nuôi đặc thù, chất thải trong giết mổ gia súc, gia cầm; rà soát, điều chỉnh đề án giết mổ tập trung phù hợp với điều kiện kinh tế của các tỉnh, thành phố, đáp ứng yêu cầu về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, giảm ô nhiễm, suy thoái môi trường…

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, giai đoạn 2016-2020, ngành Nông nghiệp phải coi bảo vệ môi trường là nhiệm vụ xuyên suốt, lợi ích sát sườn, ảnh hưởng chiến lược phát triển bền vững; kiên quyết không hy sinh môi trường để tăng trưởng kinh tế nông nghiệp; phải xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tăng sản lượng, giá trị thu nhập nhưng không làm tổn hại môi trường; tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch hơn, thân thiện môi trường hơn; tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn; tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm. Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, phải tăng cường công tác kiểm tra việc xử lý chất thải và bảo vệ môi trường tại các cơ sở chăn nuôi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ xử lý chất thải cho từng loại vật nuôi đặc thù…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không đánh đổi vì tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.